Mới đây, tại Hội thảo quốc tế trực tuyến "Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro", ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao đang là nhu cầu cấp thiết để phát triển ngành logistics Việt Nam.
Nhân lực quyết định thành công
Theo thống kê, đến nay Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 người.
Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trình độ nhân lực là chìa khóa giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. |
Ngoài khó khăn về vốn, doanh logistics Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Các kết quả khảo sát cho thấy số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.
Thực tế các chương trình đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của doanh nghiệp hiện nay. Có đến 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp logistics quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng riêng để bảo đảm mục tiêu phát triển.
PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cho rằng, đào tạo nhân nguồn nhân lực logistics chất lượng cao là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, nhân lực sẽ là yếu tố then chốt, quan trọng và cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế.
Đổi mới và nâng tầm công tác đào tạo
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, Việt Nam đã xác định logistics là một trong 12 ngành nghề trọng điểm sẽ được đầu tư mạnh mẽ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Sắp tới, Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng 3 trung tâm đào tạo quốc gia đóng ở 3 miền. Các trung tâm này sẽ mang tính dẫn dắt, định hướng đào tạo nhân lực 12 ngành nghề trọng điểm mang tầm quốc gia. Trong đó, cơ sở đào tạo nhân lực ngành logistics sẽ được đầu tư ở trung tâm đặt tại miền Nam.
Công tác đào tạo cần một cú hích đủ mạnh với sự đổi mới toàn diện để nâng cao chất lượng nhân lực. |
Cùng với công tác hoàn thiện cơ sở hạ tầng, theo các chuyên gia, các cơ sở đào tạo cần đổi mới chương trình đào tạo, tập trung vào các nhóm giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics chính như hoàn thiện bộ kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng giảng viên qua các chương trình đào tạo quốc tế, đào tạo khả năng thích ứng với sự biến động và rủi ro...
Giáo sư Devinder Grewal, đại diện Viện Logistics Vận tải và Hàng hải Úc nhận định: "Tự động hóa và robot được thúc đẩy bởi trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi sự thay đổi từ nguồn nhân lực. Cần sự phối hợp của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đào tạo các kỹ năng mới, thích ứng với môi trường thay đổi".
Còn theo Ts Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng ban truyền thông, Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam: "Hiện có đến 3 yếu tố chính tác động đến công tác đào tạo nhân lực ngành logistics. Đó là nền công nghệ 4.0, quá trình hội nhập toàn cầu hóa và những biến động rủi ro mang tính hy hữu".
Nền công nghệ 4.0 thay đổi từng ngày nên cần lao động ngành này phải giỏi công nghệ, kỹ năng số. Quá trình hội nhập toàn cầu hóa buộc lao động phải am hiểu ít nhất một ngoại ngữ. Những biến động rủi ro tác động đến ngành logistics ngày càng nhiều và dịch Covid-19 chỉ là một trong số đó.
Từ đó đặt ra yêu cầu cơ sở giáo dục đào tạo phải thay đổi phương thức và nội dung đào tạo, cần cung cấp cho người học nhiều kỹ năng hơn để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Điển hình như phải đa dạng hóa đào tạo, tăng cường đào tạo quốc tế. Đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để người học am hiểu thực tế vận hành chuỗi cung ứng. Ngoài các kỹ năng nền tảng của nghề cần phải đào tạo thêm các kỹ năng mới, ngoại ngữ, kỹ năng số…
Lệ Chi