Sau khi giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày 26/8, trong 4 kỳ điều hành gần đây (ngày 10/9, 25/9, 11/10, 26/10), giá xăng dầu trong nước đã liên tục được điều chỉnh tăng. Theo đó, vào chiều 26/10, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.427 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.459 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.171 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.015 đồng/lít, dầu mazut tăng 1.113 đồng/kg.
Chạy xe không đủ trả tiền xăng dầu
Do mới được chạy thử sau dịch bệnh nên Công ty TNHH Phúc Xuyên (Quảng Ninh) đang duy trì khoảng 10 tuyến vận tải hành khách Quảng Ninh - TP.Hà Nội, Quảng Ninh - Lào Cai, Quảng Ninh - Nghệ An... Tuy nhiên, khách hàng thì ít, không có nhu cầu đi lại, trong khi giá xăng được điều chỉnh tăng mạnh khiến doanh nghiệp chạy xe không đủ trả tiền xăng.
Doanh nghiệp, người tiêu dùng gặp khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao. |
Chia sẻ với VnBusiness, Giám đốc Đoàn Thế Xuyên nói: "Bình thường giá xăng dầu chiếm 40% chi phí giá thành vận tải, giờ thì xăng dầu tăng nhưng khách hàng ít đi. Chúng tôi chạy xe không đủ tiền xăng dầu. Trong khi đó, chuyện tăng giá vé thì là điều không tưởng, bởi khách đã ít, doanh nghiệp tăng giá giá vé thì mất uy tín với khách hàng, không đủ bù chi phí".
Còn theo ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai), tình hình giá nguyên vật liệu nói chung và sắt thép phụ gia kim loại nói riêng đã và đang tăng rất cao. Có rất nhiều loại nguyên vật liệu, phụ gia đã tăng vượt quá 100%, loại thấp nhất cũng tăng trên 40% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp cũng bị đội lên khoảng trên 30%.
"Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, thì giá vận chuyển, nguyên liệu của doanh nghiệp sẽ đội thêm. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu rất nhiều áp lực về chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới khả năng phục hồi", ông Tứ chia sẻ, bình thường chi phí vận chuyển của doanh nghiệp đội khoảng hàng chục triệu đồng/tháng, nay sẽ còn đội cao hơn nữa.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm, giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng, duy trì ở mức cao. Nhiều dự báo cho thấy, giá dầu thô thể lên mức 90 - 100 USD/thùng.
Trước băn khoăn Việt Nam có được lợi khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, ông Bảo cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nhưng lượng xuất khẩu so với tổng nhu cầu của thế giới là không đáng kể. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang là nước nhập khẩu năng lượng, xăng dầu thành phẩm, vì vậy sẽ bị tác động khá lớn khi thị trường xăng dầu thế giới có biến động.
Có nên tăng dự trữ xăng dầu?
Giá xăng dầu thế giới tăng, một số nước cũng đang tính tới bài toán xây dựng kho, gia tăng dự trữ. Song với Việt Nam thì vấn đề tăng dự trữ có khả thi? Nguồn tin từ một doanh nghiệp xăng dầu chia sẻ với VnBusiness, hiện kho của doanh nghiệp vẫn đang dự trữ xăng dầu đảm bảo nhu cầu tiêu thụ theo quy định là 30 ngày, muốn tăng lượng dự trữ thì phải có thêm kho. Mà vấn đề xây kho thì không phải nói là làm được ngày vì là doanh nghiệp Nhà nước.
Giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian vừa qua. |
"Hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang cố gắng hết sức để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong bất cứ mọi tình huống", nguồn tin này cho biết.
Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho hay, hiện chỉ có Nhà nước thực hiện dự trữ quốc gia về mặt hàng xăng dầu nhưng ở mức rất thấp do cơ cấu ngân sách cho việc dự trữ còn eo hẹp. "Bình thường dự trữ xăng dầu của mình mỏng, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác", ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, hiện nay, 2 nhà máy lọc dầu trong nước của Việt Nam là Dung Quất và Nghi Sơn đáp ứng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước. Song, dù dư thừa hay thiếu thì giá xăng dầu cũng phải tính theo giá thế giới. Xăng dầu mà mặt hàng đã được định vị trên thị trường quốc tế.
"Việt Nam là nước hội nhập thì phải tuân thủ thị trường, Nhà nước cũng không có đủ tiền để bù lỗ tích trữ khi giá xăng dầu tăng", ông Bảo nhìn nhận.
Được biết, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 15 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn đang bị âm xấp xỉ 1.500 tỷ đồng do trích quỹ để giữ giá bán lẻ trong nước. Trong đó, tính đến ngày 22/10, Quỹ Bình ổn giá tại Petrolimex đã giảm xuống còn âm 192,1 tỷ đồng.
Hiện, mức âm quỹ lớn nhất trong số 35 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thuộc về Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) với mức âm tới 697,6 tỷ đồng.
Trong số gần 1.500 tỷ đồng bị âm do chi Quỹ Bình ổn giá được ghi nhận, các doanh nghiệp đang phải trích tiền cho mức âm Quỹ lớn bao gồm: Tổng công ty Thương mại, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (âm hơn 53 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng (âm hơn 64 tỷ đồng); Công ty TNHH Petro Bình Minh (âm 71 tỷ đồng); Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Trường An (âm 89 tỷ đồng); Công ty CP Xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 113 tỷ đồng); Công ty TNHH Hải Linh (âm 73 tỷ đồng); Công ty CP Lọc Hoá dầu Nam Việt (âm 24 tỷ đồng); Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm (âm 21 tỷ đồng)...
Trước tình cảnh trên, các doanh nghiệp và chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước cần sử dụng "van điều tiết" là giảm thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, Chính phủ cân nhắc kiến nghị về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON 92.
Giá xăng dầu lập đỉnh mới, RON 95 hơn 24.000 đồng/lít Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, xăng E5RON92 không cao hơn 23.110 đồng/lít; xăng RON95-III: 24.338 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: 18.716 đồng/lít; dầu hỏa: 17.637 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: 17.210 đồng/kg. Mức tăng này là cao nhất từ đầu năm tới nay, đưa giá xăng trong nước cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Theo thống kê, thị trường xăng dầu trong nước trải qua 19 lần điều chỉnh giá từ đầu năm tới nay. Trong đó, các kỳ điều chỉnh gần đây đều trong xu thế tăng giá mạnh. Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm... Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10/2021 cụ thể như sau: 97,36 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 9,21 USD/thùng, tương đương tăng 10,44% so với kỳ trước); 100,38 USD/thùng xăng RON95 (tăng 10,13 USD/thùng, tương đương tăng 11,23% so với kỳ trước); 95,20 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 7,44 USD/thùng, tương đương tăng 8,48% so với kỳ trước); 94,56 USD/thùng dầu hỏa (tăng 6,50 USD/thùng, tương đương tăng 7,39% so với kỳ trước); 497,097 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 4,482 USD/tấn, tương đương tăng 0,91% so với kỳ trước). Tình hình dịch bệnh trong nước mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn còn có diễn biến phức tạp tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá ở mức cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ Bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và không chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng RON95 giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít. |
Lê Thúy