Chiều ngày 11/10, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định ngừng trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với các mặt hàng xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa; tăng chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 để tiếp tục chi Quỹ BOG đối với mặt hàng này ở mức cao, chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa (kỳ trước không chi) để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh từ 517 - 1.109 đồng/lít/kg vào chiều ngày 11/10. |
Cụ thể, thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95 ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 150 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), dầu mazut ở mức 100 đồng/kg (như kỳ trước); xăng E5RON92 tiếp tục không trích lập.
Đồng thời, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 950 đồng/lít (kỳ trước là 850 đồng/lít), dầu diesel ở mức 150 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước không chi); xăng RON95 và dầu mazut không chi.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, xăng E5RON92: không cao hơn 21.683 đồng/lít (tăng 967 đồng/lít so với giá hiện hành, nếu kỳ điều hành này không chi Quỹ BOG 950 đồng/lít thì giá sẽ tăng 1.917 đồng/lít và giá bán là 22.633 đồng/lít); Xăng RON95-III: không cao hơn 22.879 đồng/lít (tăng 934 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Giá xăng dầu trong nước tăng lần thứ 3 liên tiếp. |
Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 17.545 đồng/lít (tăng 959 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, nếu kỳ điều hành này không chi Quỹ BOG 150 đồng/lít thì giá sẽ tăng 1.109 đồng/lít và giá bán là 17.695 đồng/lít).
Dầu hỏa: không cao hơn 16.622 đồng/lít (tăng 979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, nếu kỳ điều hành này không chi Quỹ BOG 100 đồng/lít thì giá sẽ tăng 1.079 đồng/lít và giá bán là 16.722 đồng/lít);
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.097 đồng/kg (tăng 517 đồng/kg so với giá bán hiện hành).
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng do kinh tế các nước trên thế giới đang dần hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại khi nhiều nước đã chọn phương án sống chung, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19; nhu cầu năng lượng (trong đó có xăng dầu) cũng tăng do chuẩn bị nguồn năng lượng cho mùa Đông trong khi giá khí đốt tăng mạnh, bên cạnh đó, OPEC+ quyết định không gia tăng sản lượng khai thác so với kế hoạch... Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Giá dầu thô ngày 10/10/2021 đã lên mức 80,11 USD/thùng đối với WTI và 82,58 USD/thùng đối với dầu Brent, cao nhất trong vòng 07 năm trở lại đây.
Trao đổi với VnBusiness trưa ngày 11/10, nguồn tin từ một doanh nghiệp xăng dầu trong nước cho hay giá xăng dầu trong nước đang chịu áp lực tăng giá lớn từ thị trường thế giới, đồng thời còn đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung. Trong khi đó, dư địa để giảm giá xăng dầu từ quỹ BOG không còn nhiều, do vậy việc trông chờ vào điều chỉnh chính sách thuế, phí là rất cần thiết.
“Doanh nghiệp luôn muốn bán xăng dầu với giá thấp để đảm bảo cuộc sống an sinh của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp”, vị này cho biết.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 30/9, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết thời gian tới, giá xăng dầu thế giới được dự báo sẽ tăng khi các nền kinh tế phục hồi, cũng như mở rộng diện bao phủ của vắc xin phòng COVID-19. Chính vì vậy, việc giảm giá xăng dầu thế giới trong thời gian tới là khó xảy ra.
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm giá xăng dầu, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết bên cạnh đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phát huy hiệu quả của Quỹ BOG.
Theo đó, sẽ điều hành giá xăng dầu trong nước bám sát vào công cụ Quỹ BOG, phân tích cả về thuế để xem xét dư địa giảm như thuế môi trường với xăng E5.
Về vấn đề thuế, được biết hiện nay tỷ trọng thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu ở mức cao, khoảng 55-60% đối với xăng, 35-40% đối với dầu. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với xăng (thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 đang ở mức 3.800 đồng/lít) và 11-20% đối với dầu.
Thy Lê