Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 30/9, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết thời gian tới, giá xăng dầu thế giới được dự báo sẽ tăng khi các nền kinh tế phục hồi, cũng như mở rộng diện bao phủ của vắc xin phòng COVID-19. Chính vì vậy, việc giảm giá xăng dầu thế giới trong thời gian tới là khó xảy ra.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để tìm dư địa điều chỉnh thuế với mặt hàng xăng dầu. |
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm giá xăng dầu, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết bên cạnh đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phát huy hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá.
Theo đó, sẽ điều hành giá xăng dầu trong nước bám sát vào công cụ Quỹ Bình ổn, phân tích cả về thuế để xem xét dư địa giảm như thuế môi trường với xăng E5.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng. Giá xăng dầu thế giới tăng, thị trường trong nước sẽ chịu tác động cả tích cực và tiêu cực. Việt Nam vốn là quốc gia sản xuất dầu thô, giá thế giới tăng thì mang lại nguồn thu lớn cho đất nước. Ngược lại, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu xăng dầu từ thị trường nước ngoài, điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Ông Hải cho biết vừa qua, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm tới 60 - 80%, Bộ Công Thương đã cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tăng xuất khẩu dầu thô để thêm nguồn thu cho Nhà nước. "PVN phải hạch toán bám sát tình hình thị trường trên thế giới, nếu đầu ra tốt thì phải tăng cường sản xuất", ông Hải nói.
Trước đó, vào kỳ điều hành giá xăng dầu vào chiều ngày 25/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu từ 537 - 628 đồng/lít/kg. Đây là lần tăng giá thứ 2 liên tiếp.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng lệnh cấm đi lại, chuẩn bị nguồn cung cho mùa lạnh trong khi giá khí đốt tăng mạnh, bên cạnh đó, tồn kho dầu của Mỹ giảm mạnh, nguồn cung bị gián đoạn do ảnh hưởng của 2 cơn bão tại vịnh Mexico, OPEC+ thận trọng trong việc gia tăng sản lượng, đồng USD giảm giá... Các yếu tố này đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Về vấn đề thuế, được biết hiện nay tỷ trọng thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu ở mức cao, khoảng 55-60% đối với xăng, 35-40% đối với dầu. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với xăng (thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 đang ở mức 3.800 đồng/lít) và 11-20% đối với dầu.
Thy Lê