Đại diện Cục viễn thông nhận định, việc chuyển đổi này là cần thiết để tái quy hoạch kho số, tuy nhiên việc chuyển đổi này sẽ tác động đến hầu hết mọi mặt của xã hội.
Chuyển đổi 21 mã mạng để tái quy hoạch kho số
Chiều 29/5, Bộ TT&TT đã tổ chức họp báo thông báo chính thức về việc 5 nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone, Gtel và Vietnamobile thực hiện việc chuyển đổi đầu 11 số sang 10 số.
Việc chuyển đổi được thực hiện trên nguyên tắc hạn chế tối đa ảnh hưởng không tích cực có thể phát sinh đối với doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ, hài hòa lợi ích và chi phí xã hội.
Theo thỏa thuận, thuê bao 11 số của mạng Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169 sẽ chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039.
Thuê bao 11 số của mạng MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0126, 0128 sẽ chuyển thành 070, 079, 077, 076, 078.
Thuê bao 11 số của mạng Vinaphone gồm các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 sẽ chuyển thành 083, 084, 085, 081, 082.
Thuê bao 11 số của Vietnamobile và Gtel sẽ chuyển sang thuê bao 10 số đầu số 05x. Cụ thể, thuê bao 11 số 0188, 0186 của Vietnamobile sẽ được đổi sang đầu số 056, 058. Thuê bao 11 số 0199 của Gtel sẽ được đổi sang đầu số 059. Như vậy, về cơ bản, thuê bao của Vietnamobile và Gtel sẽ giữ được 8 số cuối khi chuyển sang thuê bao 10 số.
Riêng thuê bao di động 10 số vẫn được giữ nguyên không thay đổi.
Việc chuyển đổi bắt đầu từ ngày 15/9/2018 và kết thúc vào ngày 30/6/2019. Khi tiến hành chuyển đổi, các nhà mạng sẽ phải quay số song song (duy trì cả số cũ và số mới) từ ngày 15/9 - 14/11/2018. Sau đó sẽ khóa mã cũ và người gọi sẽ được nhận được âm báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh về việc thay đổi mã mạng.
Bộ TT&TT cho biết sở dĩ phải đổi số do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhiều loại hình dịch vụ viễn thông mới ra đời và phát triển. Trước đây chỉ có điện thoại cố định, chưa có điện thoại di động thì nay đã có dịch vụ di động từ 2G đến 4G và sắp tới là 5G, kết nối Internet vạn vật (IoT). Vì vậy, cần phải quy hoạch lại kho số viễn thông quốc gia để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của thị trường viễn thông, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, giao thông thông minh, y tế thông minh, điện lực thông minh, phục vụ cách mạng 4.0 và tránh tình trạng thiếu kho số di động và thừa kho số cố định.
Đại diện Bộ TT&TT khẳng định việc quy hoạch kho số viễn thông quốc gia là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại diện một nhà mạng cho hay ước tính có khoảng 60 triệu thuê bao 11 số và 700 thuê bao của VSAT chịu tác động của kế hoạch này.
Ngoài ra, những sản phẩm có gắn với mã mạng như card visit, bao bì, biển quảng cáo… và các số điện thoại lưu trữ trong điện thoại di động cũng chịu sự tác động này.
Nhiều khách hàng cảm thấy thích thú hơn khi được chuyển từ thuê bao 11 số vốn bị xã hội gán cho mác SIM rác, hoặc SIM của người dùng nghèo chuyển sang thuê bao 10 số được bình đẳng như những thuê bao 10 số khác. Các nhà mạng thừa nhận việc bán SIM 11 số khó hơn nhiều so với thuê bao 10 số. Thậm chí, các đại lý khi bán SIM 10 số cũng có mức giá cao hơn SIM 11 số.
Bộ TT&TT sẽ chuyển đổi các thuê bao 11 số sang 10 số |
Kỳ vọng kho số sử dụng được trong 15 năm
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cho biết với lần chuyển đổi này, Cục Viễn thông hy vọng sẽ có một khối lượng kho sim số đủ lớn để sử dụng tới năm 2050.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, hiện nay, nhiều ngành, trong đó có ngành viễn thông đang phát triển đột phá, nên khó có thể dự đoán chắc được bao nhiêu, nhưng nếu trong trường hợp đột phá hy vọng kho số này sẽ duy trì được trong 10 - 15 năm.
Còn Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhận định, khó có thể nhận định kho số này sẽ sử dụng trong bao lâu.
Thứ trưởng cho biết, hiện có khoảng 120 triệu thuê bao của người dùng di động (H2H), số thuê bao dành cho máy (M2M) ít hơn nhiều.
Sau khi thực hiện quy hoạch lại, Bộ hy vọng kho số cho người dùng di động là 500 triệu và cho máy là 1 tỷ số. Trong thời đại IoT như hiện nay, Bộ xác định tương lai đầu số cho máy sẽ có nhu cầu cao hơn, do đó kho số 1 tỷ đầu số này chưa chắc đã đủ, nhưng việc chuyển đổi kho số đối với máy luôn dễ hơn, nên có thể mở rộng được.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng cho biết, trước khi ban hành kế hoạch, Bộ TT&TT đã lấy ý kiến của các bên liên quan như người dùng, nhà mạng, tuy nhiên, khi triển khai, chắc chắn nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ được quy trình chuyển đổi này.
Cụ thể như nhiều người dùng hiện vẫn quan niệm sim số đẹp, cho nên việc phân chia đầu số đã được Cục Viễn thông và các nhà mạng làm việc trong thời gian tương đối dài.
Việc chia số được thực hiện tương ứng mỗi đầu số sẽ nhận được một đầu số chuyển đổi và việc nhận đầu số như thế nào đã được Cục và các doanh nghiệp viễn thông thống nhất với nhau.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng nhận định, việc chuyển đổi này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người dùng, vì vậy Cục đã và đang xây dựng các kế hoạch hỗ trợ tới không chỉ người dùng, mà còn là các doanh nghiệp, ngân hàng…
Đại diện các nhà mạng cũng đều cam kết sẽ có các chương trình hỗ trợ người dùng để quá trình chuyển đổi được thuận lợi nhất.
Riêng Viettel cho biết, hãng đã bắt đầu xây dựng phần mềm giúp người dân tự động chuyển đổi đầu số trong trong danh bạ điện thoại. Ứng dụng của Viettel đã được triển khai trên MyViettel.
Tuy nhiên, do phải chính thức triển khai, các nhà mạng mới biết chính xác các đầu số chuyển đổi mình nhận được, nên hiện chỉ mới đang xây dựng và chưa chính thức đi vào hoạt động.
Đại diện của Gtel đề nghị Cục Viễn thông cũng như Bộ TT&TT có đề án phối hợp các nhà mạng với nhau để xây dựng phần mềm này một cách đồng bộ và thống nhất.
Hiện nay, nhiều người dùng sử dụng số điện thoại để giao dịch ngân hàng, cho nên cả Bộ TT&TT, Cục Viễn thông và nhà mạng đều đã có những động thái để giúp việc giao dịch ngân hàng được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng như Cục Viễn thông đều khuyến cáo người dùng nên chủ động đến các ngân hàng để chuyển đổi.
Hồng Nhung