Cụ thể, nguồn tin cho biết Google cân nhắc thiết lập một trung tâm dữ liệu "siêu lớn" gần TP HCM. Các cuộc đàm phán nội bộ đang diễn ra và trung tâm dữ liệu có thể sẵn sàng vào năm 2027.
Google cân nhắc xây dựng trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam. |
Hiện Google chưa chính thức bình luận về thông tin này. Tuy nhiên, theo nguồn tin, động thái của Google xuất phát từ lượng lớn khách hàng dịch vụ đám mây trong và ngoài nước tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam nổi lên là quốc gia có nền kinh tế số đang phát triển, là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của YouTube - nền tảng chia sẻ video trực tuyến phổ biến của Google.
Tại Việt Nam, Google đang mở một văn phòng đại diện và tuyển dụng hàng chục kỹ sư, chuyên gia tiếp thị và các chuyên gia khác, theo quảng cáo trên LinkedIn. Người phát ngôn của Google chia sẻ với Reuters: "Chúng tôi hiện có một đội ngũ tại chỗ để phục vụ tốt hơn cho khách hàng quảng cáo tại Việt Nam và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của quốc gia này".
Google cũng đang cung cấp 40.000 suất học bổng tại Việt Nam cho các khóa học AI cơ bản và 350.000 USD cho mỗi suất học bổng cho 20 công ty khởi nghiệp AI được chọn, Giám đốc điều hành Google Việt Nam Marc Woo cho biết trên LinkedIn vào tháng trước. Google cũng đã có mạng lưới nhà cung cấp lớn tại Việt Nam lắp ráp các sản phẩm của mình, bao gồm cả điện thoại thông minh Pixel.
Khoản đầu tư từ ông lớn công nghệ được nhận định sẽ là cú hích cho Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài vào các trung tâm dữ liệu. Trước đó, từ tháng 5/2024, Nikkei đưa tin công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đang cân nhắc xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên phía Alibaba cũng chưa chính thức bình luận về thông tin này.
Các trung tâm dữ liệu siêu quy mô thường có mức tiêu thụ điện năng tương đương với một thành phố lớn. Theo ước tính dựa trên dữ liệu do công ty tư vấn bất động sản JLL công bố trong báo cáo năm nay về các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, một trung tâm dữ liệu siêu lớn với công suất tiêu thụ điện 50 MW có thể có chi phí từ 300 - 650 triệu USD.
Theo các chuyên gia trong ngành, mặc dù nhu cầu về dịch vụ số của 100 triệu dân Việt Nam ngày càng tăng, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này phần lớn vẫn e ngại đầu tư vì mối lo thiếu điện, cơ sở hạ tầng internet và các ưu đãi đầu tư.
Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và Thái Lan đang đi đầu trong ngành và thu hút được nhiều khoản đầu tư lớn hơn từ các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu. Tháng 5 vừa qua, Google cho biết sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào Malaysia để phát triển trung tâm dữ liệu đầu tiên và khu vực Google Cloud tại quốc gia này.
Theo Savills, Việt Nam có 33 trung tâm dữ liệu với tổng số 48 nhà cung cấp dịch vụ và ước tính công suất khoảng 80 MW tính đến quý I/2024. Các khu vực phía Bắc và phía Nam chiếm 94% nguồn cung trung tâm dữ liệu hiện có, khu vực miền Trung chiếm 6%. Các trung tâm chính nằm ở Hà Nội và TP. HCM, với lần lượt 16 và 13 cơ sở đã được thiết lập.
Giá trị thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam dự báo sẽ tăng lên 1,04 tỷ USD vào năm 2028, từ mức 561 triệu USD vào năm 2022, đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,7%
“Việc phát triển các trung tâm dữ liệu cần có sự đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, từ việc đảm bảo nguồn cung điện ổn định đến việc xây dựng các cơ sở vật chất hiện đại”, ông Thomas Rooney, quản lý cấp cao bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Hà Nội cho biết.
Hiện nay, thị trường trung tâm dữ liệu ở Việt Nam chủ yếu do một số công ty viễn thông trong nước chi phối, bao gồm Viettel IDC, VNPT, CMC Telecom, FPT Telecom và VNG Cloud. Các nhà khai thác nước ngoài như GDS, Telehouse và NTT tham gia thị trường thông qua các liên doanh, chiếm một phần nhỏ hơn nhiều trong thị trường.
“Savills kỳ vọng một lượng vốn đáng kể sẽ được đổ vào thị trường Việt Nam khi các chính sách và quy định liên quan được làm rõ hơn”, vị chuyên gia nhìn nhận.
Đỗ Kiều