Đến thời điểm này số lượng thuê bao 2G vẫn còn tương đối nhiều. Theo số lượng thống kê của các nhà mạng, hiện vẫn còn hơn chục triệu thuê bao 2G. Như vậy, trong vòng hơn 2 tháng nữa nhà mạng sẽ phải chạy đua với thời gian để giúp khách hàng chuyển từ 2G lên 4G và 5G.
Tác động đến người dùng
Việc khai tử mạng 2G sẽ có tác động đáng kể đến một bộ phận không nhỏ người dùng, đặc biệt là những người đang sử dụng các thiết bị di động cũ chỉ hỗ trợ 2G. Theo thống kê, vẫn còn hàng triệu thuê bao tại Việt Nam đang sử dụng các điện thoại chỉ hỗ trợ mạng 2G (trong đó, nhà mạng Vietnamobile còn khoảng 100.000 thuê bao 2G), đặc biệt là ở các vùng nông thôn và miền núi, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn và việc tiếp cận với các thiết bị công nghệ cao còn hạn chế.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với người dùng là việc phải thay thế các thiết bị cũ bằng các thiết bị mới hỗ trợ 3G, 4G hoặc 5G, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đầu tư một khoản chi phí không nhỏ để mua sắm thiết bị mới. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người cao tuổi hoặc có thu nhập thấp, đây có thể là một gánh nặng tài chính.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa các nhà mạng sẽ phải tắt sóng 2G theo lộ trình đã được đưa ra. |
Ngoài ra, việc chuyển đổi này còn đòi hỏi người dùng phải thích nghi với các công nghệ mới hơn. Các thiết bị hiện đại không chỉ phức tạp hơn mà còn yêu cầu người dùng phải cập nhật kiến thức về cách sử dụng và bảo mật thông tin. Đối với người già và những người không quen thuộc với công nghệ, việc này có thể gây ra nhiều khó khăn và trở ngại.
Bên cạnh đó, việc tắt mạng 2G cũng sẽ ảnh hưởng đến các dịch vụ phụ thuộc vào công nghệ này như hệ thống báo cháy, báo động an ninh, hay các thiết bị IoT đơn giản sử dụng mạng 2G. Việc chuyển đổi sang các công nghệ mới hơn sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cấp hạ tầng, điều chỉnh thiết bị và phần mềm, gây ra không ít khó khăn và chi phí.
Ngoài ra, giới chuyên gia khuyến cáo người dùng việc chuyển sang các công nghệ mới hơn như 4G hoặc 5G không chỉ mang lại những lợi ích về tốc độ và hiệu suất, mà còn đòi hỏi sự chú ý đến vấn đề an ninh mạng. Các thiết bị và công nghệ mới có thể tạo ra các lỗ hổng bảo mật mà người dùng cần phải nắm bắt và phòng tránh.
Bên cạnh những thách thức, việc khai tử mạng 2G cũng mang đến những cơ hội mới cho người dùng. Với việc chuyển sang sử dụng các thiết bị và dịch vụ 4G hoặc 5G, người dùng sẽ có cơ hội trải nghiệm những dịch vụ viễn thông hiện đại, với tốc độ kết nối nhanh hơn, khả năng truy cập Internet ổn định hơn và nhiều tiện ích hơn như gọi video, xem phim trực tuyến, chơi game online,…
Cơ hội và thách thức cho nhà mạng
Một câu hỏi đặt ra ở thời điểm này, nếu nhà mạng không chuyển hết thuê bao 2G lên 4G và 5G theo đúng lộ trình mà Bộ TT&TT đưa ra thì sẽ phải xử lý thế nào? Trả lời về vấn đề này, Cục Viễn thông cho biết, căn cứ Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT về quy hoạch các băng tần 900MHz/1800MHz, Bộ TT&TT sẽ không cấp phép lại sử dụng các băng tần 900MHz/1800MHz, nếu doanh nghiệp không có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn 2G only hoạt động trên mạng từ ngày 16/9/2024. Vậy nên, doanh nghiệp di động cần quyết liệt triển khai mạnh các giải pháp truyền thông, hỗ trợ chuyển đổi để đảm bảo quyền lợi của các thuê bao, nếu muốn tiếp tục cấp lại các băng tần 900MHz/1800MHz.
Từ ngày 1/3/2024, các nhà mạng đã thống nhất triển khai phương án ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G only không chứng nhận hợp quy. Các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm chỉnh, việc ngăn chặn các máy 2G only nhập mạng đã góp phần làm giảm số thuê bao 2G only trong các tháng 4, tháng 5. Bên cạnh đó, hiện các nhà mạng đã thực hiện hỗ trợ kinh phí mua máy smartphone, khuyến khích khách hàng chuyển đổi sang smartphone để tăng doanh thu dữ liệu, thực hiện mục tiêu phổ cập smartphone, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Đối với các nhà mạng, việc khai tử mạng 2G mang lại cả cơ hội lẫn thách thức. Một mặt, việc tắt mạng 2G sẽ giúp các nhà mạng tiết kiệm được chi phí vận hành và bảo trì hệ thống, đồng thời giải phóng tài nguyên tần số để triển khai các công nghệ mới như 5G, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng về tốc độ và dung lượng truy cập.
Việc tắt mạng 2G và chuyển sang các công nghệ mới hơn như 5G mở ra cánh cửa cho các dịch vụ và ứng dụng mới, chẳng hạn như Internet of Things (IoT), thực tế ảo (VR), và trí tuệ nhân tạo (AI), tạo cơ hội để các nhà mạng khám phá và khai thác các lĩnh vực kinh doanh mới, mang lại giá trị gia tăng cho cả doanh nghiệp và người dùng.
Mặt khác, các nhà mạng cũng phải đối mặt với thách thức lớn trong việc hỗ trợ khách hàng chuyển đổi sang các thiết bị và dịch vụ mới, đòi hỏi các chiến dịch truyền thông, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời, đảm bảo người dùng không bị gián đoạn trong quá trình chuyển đổi. Các chương trình hỗ trợ tài chính, trợ giá thiết bị cũng cần được triển khai để giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các công nghệ mới.
Thêm vào đó, các nhà mạng phải đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng 4G và 5G để đảm bảo phủ sóng rộng khắp và ổn định, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, nơi mà trước đây mạng 2G là “cứu cánh” duy nhất cho người dân.
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc khẳng định, Bộ TT&TT sẽ thực hiện nghiêm về vấn đề này để bắt buộc nhà mạng phải đưa ra các biện pháp, chính sách thúc đẩy thuê bao 2G lên 4G và 5G.
Lê Hồng