Các HTX thủ công mỹ nghệ đang tạo nhiều việc làm cho lao động nữ tại Vĩnh Long. |
Tạo thêm nhiều việc làm
Những năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đặc biệt là lao động nữ được đẩy mạnh triển khai tại Vĩnh Long bằng nhiều hình thức, trong đó có phối hợp liên kết, mở lớp lưu động, gắn với tạo việc làm sau học nghề, hỗ trợ vốn, xây dựng các mô hình tạo việc làm tại chỗ.
Chỉ tính riêng Trung tâm dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp mở được trên 1.000 lớp dạy nghề đan tiểu thủ công nghiệp, nữ công gia chánh, may công nghiệp với trên 31.000 học viên tham dự, tư vấn giới thiệu và tạo việc làm trên 72.300 người.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh như gắn kết hỗ trợ vốn vay với dạy nghề, kỹ năng kinh doanh, thành lập các tổ hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,… được tổ chức thường xuyên.
Tỉnh Vĩnh Long đã vận động hỗ trợ thành lập và nhân rộng được trên 300 mô hình kinh tế do lao động nữ là chủ lực như HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tổ/nhóm phụ nữ chăn nuôi, trồng trọt, giúp trên 18.600 lao động nữ cải thiện thu nhập.
HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng (xã Bình Ninh, huyện Tam Bình) hàng năm tạo việc làm cho trên 1.000 lao động nữ. Cây lục bình – nguyên liệu chính của HTX, trước đây chỉ dùng làm thức ăn nuôi lợn, nhưng nay đã trở thành cây giúp các hộ dân nghèo ở Tam Bình thoát nghèo.
Để tạo việc làm cho lao động, HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ với mức thu nhập ổn định.
Hiệu quả của HTX đóng góp đáng kể vào quá trình xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. |
HTX xóa đói, giảm nghèo
Bà Phạm Thị Tơ – Giám đốc HTX, cho biết: “Nhờ uy tín gây dựng nhiều năm, HTX không sợ thiếu việc làm, chỉ cần các chị em chịu học hỏi, nâng cao tay nghề để thu nhập cao hơn. HTX hướng tới mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho phụ nữ dân tộc, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm chủ kinh tế”.
Hiện, sản phẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng khá đa dạng, từ những loại đơn giản như thảm, chiếu lục bình cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như kệ đựng báo, chai đựng rượu, khay giấy, chậu bông các loại và ghế salon…
Toàn bộ sản phẩm của HTX sản xuất ra được phía doanh nghiệp liên kết thu mua, xuất khẩu đi các nước Tây Âu như Đan Mạch, Đức, hoặc xuất sang Đài Loan (Trung Quốc).
Đến nay, bình quân mỗi lao động tại HTX Quyết Thắng có thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. Tiền lương ổn định giúp người lao động tự chủ kinh tế, phát huy được sự sáng tao trong công việc. Hiệu quả của HTX Quyết Thắng đang góp phần rất đáng kể cho công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Giống như Quyết Thắng, HTX tiểu thủ công nghiệp Hòa Lộc cũng đang là địa chỉ tin cậy cho những lao động có khát khao thoát nghèo, làm giàu. HTX hiện sản xuất khoảng 200 sản phẩm thủ công mỹ nghệ các loại, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động.
HTX Gia công sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu An Phú (xã Phú Đức, huyện Long Hồ) cũng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, để trở thành đơn vị vững mạnh, nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Rõ ràng, hướng đi đúng đã tạo động lực lớn cho phong trào phát triển kinh tế tập thể với lực lượng nòng cốt là phụ nữ ở các địa phương, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập lao động khu vực nông thôn.
Nhật Minh