Cầu Ngang đang làm rất tốt công tác hỗ trợ để xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu (Ảnh Tư liệu) |
Phát huy sức dân
Kim Hòa đang là một trong những điểm sáng xóa đói giảm nghèo tại Cầu Ngang, bất chấp xuất phát điểm rất thấp của một xã nghèo, điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu thốn.
Anh Kim Tuấn Sỹ (ấp Giữa, xã Kim Hòa) tâm sự: “Trước đây, vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn do không nghề, không tư liệu sản xuất. Được địa phương hỗ trợ vốn nuôi bò sinh sản, chỉ khoảng 2 năm đã tích lũy được nguồn vốn và vừa xây nhà mới trị giá 80 triệu đồng, bây giờ đã thoát nghèo”.
Đại diện UBND xã Kim Hòa cho biết xã có 6 ấp với gần 10.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào Khmer chiếm 70%. Để giúp bà con thoát nghèo, chính quyền xã đã phối hợp giúp gần 1.300 hộ vay vốn phát triển sản xuất.
Xã còn vận dụng chương trình xây dựng nông thôn mới để làm giao thông nông thôn; hỗ trợ người dân nuôi bò sinh sản, nuôi thỏ từ nguồn vốn chương trình 135.
Giống như ở Kim Hòa, xã Nhị Trường (huyện Cầu Ngang) – địa phương có gần 81% đồng bào Khmer sinh sống, cũng đang là điểm hình về xóa đói, giảm nghèo. Những năm qua, nhiều gia đình đã chủ động đầu tư phát triển sản xuất, thoát cảnh nghèo túng, không ít hộ vươn lên làm giàu, có kinh tế khá giả.
Để có được kết quả hiện tại, xã từng được các chương trình 134, 135 hỗ trợ tiền vốn, vật tư để ổn định cuộc sống và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trạm, trại, cùng với nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo UBND xã Nhị Trường, trước đây Nhị Trường là vùng đất từng nghèo nhất nhì tỉnh Trà Vinh.
Từ khi được hưởng lợi từ Chương trình 135 của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của xã được cải thiện rõ nét, lộ giao thông nông thôn ấp liền ấp, trường, trạm, chợ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhờ triển khai đồng bộ, kịp thời các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào, cuộc sống bà con ngày càng khởi sắc.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững sẽ tiếp tục được huyện thúc đẩy hướng tới mục tiêu xóa nghèo (Ảnh TL) |
Hướng tới xóa sổ hộ nghèo
Theo UBND huyện Cầu Ngang, việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả đáng kể, góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân.
Một số nhu cầu thiết yếu như nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, giáo dục, y tế… của người dân cơ bản đã được đáp ứng. Năm 2019, toàn huyện Cầu Ngang giảm nghèo đạt 3,26%, tương đương 1.316 hộ, vượt 96 hộ so với chỉ tiêu.
Tới đây, huyện sẽ chủ động phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, khuyến khích và phát huy năng lực của người dân, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Để đạt các mục tiêu đề ra trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân, phát triển HTX để nâng tầm nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, huyện Cầu Ngang thành lập mới 2 HTX, nâng tổng số HTX toàn huyện lên 24 HTX với 1.378 thành viên đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ - sản xuất nông nghiệp, thủy sản, vận tải.
Huyện cũng có 325 tổ hợp tác với 6.683 tổ viên hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và 3 quỹ tín dụng nhân dân.
Điển hình có HTX nông nghiệp Nhị Trường. Việc mở rộng hoạt động sang quản lý chợ đã giúp hoạt động hiệu quả hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và bảo vệ môi trường địa phương.
Được sự đồng ý của UBND huyện Cầu Ngang, HTX đã tiến hành tiếp nhận quản lý chợ Nhị Trường để bảo đảm các hoạt động kinh doanh của các hộ tiểu thương ngày càng tốt hơn.
Hiện nay, chợ có 166 hộ tiểu thương kinh doanh các mặt hàng trái cây, rau, củ, quả và thực phẩm tươi sống. Doanh thu hàng năm đạt 400.000.000 đồng. Các kios và sạp bán hàng của tiểu thương được sắp xếp hợp lý, phân định từng khu vực bán hàng để bảo đảm an toàn vệ sinh…
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động HTX, huyện Cầu Ngang đang đẩy mạnh hỗ trợ, củng cố, tạo điều kiện cho các đơn vị nâng cao hiệu quả sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu vào, đầu ra cho nông dân, phát triển bền vững trong tình hình mới.
Nhật Minh