Mô hình trồng lúa thông minh mang lại hiệu quả tích cực tại Đồng Tháp (Ảnh Tư liệu) |
Mô hình "canh tác lúa lý tưởng"
Tiên phong ứng dụng 4.0 trong trồng lúa phải kể đến mô hình của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười). Trên nền tảng sản xuất hiện đại và sáng tạo, mô hình trồng lúa thông minh của HTX đang mang lại hiệu quả vượt trội về kinh tế và môi trường sinh thái.
Để từng bước tiếp cận công nghệ, HTX đã có một cách làm khá mới, đó là xây dựng cánh đồng canh tác lúa lý tưởng, có áp dụng các giải pháp công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Từ vụ đông xuân 2017 - 2018, HTX phối hợp Công ty Rynan Smart Fetilizers (Trà Vinh) thực hiện thí điểm mô hình trồng lúa thông minh 7,6ha.
Trong mô hình “Cánh đồng lúa lý tưởng”, nông dân sử dụng phân bón thông minh và sử dụng loại máy cấy hiện đại có chức năng cùng lúc thực hiện 3 công đoạn: cấy lúa, bón phân và phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc nên tiết kiệm được nhiều khoản chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công.
Giám đốc HTX Mỹ Đông 2, ông Ngô Phước Dũng cho biết đặc điểm nổi bật của mô hình trồng lúa thông minh là các hộ sản xuất áp dụng phương pháp bón phân tan chậm kết hợp với sử dụng các chế phẩm sinh học không gây hại cho môi trường sinh thái.
Kết quả canh tác cho thấy, sản xuất lúa thông minh giúp nông dân giảm thiểu lượng giống, chỉ khoảng 8 kg/công. Năng suất bình quân đạt 7 - 8 tấn lúa tươi/ha, chi phí sản xuất giảm 45 - 50% so với phương thức canh tác cũ, đảm bảo lợi nhuận cao cho người sản xuất.
Cũng ứng dụng bón phân thông minh, hệ thống cảm ứng mực nước, nhưng tại HTX Thuận Tiến (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) thời gian qua còn có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ khi mạnh dạn thử nghiệm máy bay phun thuốc trên đồng ruộng.
Trong điều kiện nguồn nhân công trong nông nghiệp đang thiếu, thiết bị này sẽ là một giải pháp hữu hiệu vừa giảm gánh nặng về thể chất khi làm nông cho thành viên, vừa giảm được chi phí sản xuất, đồng thời giải quyết được bài toán thiếu lao động phun xịt thuốc.
Không chỉ có lúa, mô hình nông nghiệp thông minh đang lan tỏa sang nhiều loại cây trồng khác (Ảnh TL) |
Lan tỏa thành phong trào
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc HTX Thuận Tiến: “Phun thuốc bằng máy bay có hiệu quả cao, luồng gió luân chuyển từ cánh quạt máy bay sẽ giúp hạt thuốc tiếp xúc được một lượng lớn cây trồng, tăng 50% hiệu quả phun thuốc, tiết kiệm được 30% thuốc bảo vệ thực vật; không thất thoát lúa do giẫm đạp”.
Việc tiết kiệm tới 30% lượng thuốc giúp HTX giảm thiểu dư lượng ra môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất. Đồng thời, các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng được HTX lựa chọn kỹ lưỡng theo danh mục cho phép.
Ngoài ứng dụng công nghệ phun thuốc trên đồng ruộng, HTX Thuận Tiến còn được biết đến với mô hình “Ruộng nhà mình” có ứng dụng công nghệ trong sản xuất.
Đây là mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ theo quy trình từ gieo cấy đến thu hoạch, có kiểm soát chặt chẽ, mang lại lợi ích cao về kinh tế và tính ưu việt về môi trường sinh thái. 100% sản phẩm của mô hình cũng được doanh nghiệp bao tiêu.
Theo Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, dù còn không ít khó khăn, nhưng sự nhập cuộc trong nông nghiệp 4.0 của các HTX trên địa bàn tỉnh đang dần được nâng lên.
Không riêng với mô hình sản xuất lúa tại 2 HTX Mỹ Đông 2 và Thuận Tiến, việc áp dụng công nghệ 4.0 của các HTX còn lan tỏa trên các lĩnh vực cây ăn trái, rau màu, vật nuôi...
Mô hình 4.0 của tỉnh Đồng Tháp có 2 dạng: áp dụng trực tiếp trong sản xuất với các mô hình ứng dụng 4.0 trong sản xuất lúa và mô hình bán nông sản qua mạng, điển hình như tại HTX Mỹ Xương với “Cây xoài nhà tôi”.
Bên cạnh gia tăng giá trị, việc các HTX chủ động ứng dụng công nghệ trong sản xuất giúp nông dân đổi mới tư duy, tạo nên những lợi ích lớn về môi trường sinh thái, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là chìa khóa để tỉnh Đồng Tháp tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp 4.0.
Hưng Nguyên