Sản xuất đường thốt nốt là nghề truyền thống của đồng bào người dân tộc Khmer ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, hình thành vào năm 1990 và được phát triển ổn định cho đến nay.
Điểm sáng ở Lương Phi
Nghề truyền thống đã mang lại nguồn thu nhập cơ bản cho các gia đình trong xã vẫn gắn bó với nghề, bình quân mỗi hộ đạt 20-25 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.
Nghề làm đường thốt nốt tạo việc làm cho người Khmer ở xã Lương Phi (Ảnh: TL) |
Anh Chau Sinh, dân tộc Khmer cho biết, gia đình anh đã khôi phục nghề nấu đường thốt nốt, cuộc sống ngày càng sung túc hơn. Trước kia, thiếu vốn đầu tư nên công việc nấu đường khó khăn.
"Nhờ được vay vốn ưu đãi nên gia đình tôi mua được đầy đủ dụng cụ nấu và chủ động nguyên liệu cho nghề nấu đường thốt nốt. Ngoài 20 cây thốt nốt của gia đình, tôi còn mua thêm vài chục cây thốt nốt của bà con trong phum sóc để lấy nước mở rộng nghề nấu đường truyền thống, tăng thu nhập, sớm trả hết nợ ngân hàng, thoát khỏi cảnh nghèo túng", anh Chau Sinh chia sẻ.
Nghề nấu đường thốt nốt đã được huyện Tri Tôn quan tâm hỗ trợ xây dựng lò nhằm nâng cao thu nhập từ mặt hàng đặc sản này và cải thiện đời sống của đồng bào Khmer.
Ngoài ra, các hộ làm nghề đều được chính quyền địa phương tập huấn về kiến thức sản xuất, chế biến đường thốt nốt theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật xử lý để cây thốt nốt cho nước tối đa và các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
Bên cạnh nghề chế biến đường thốt nốt, xã Lương Phi đang thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề truyền thống là uốn và chế biến tầm vông, nhằm tận dụng vùng nguyên liệu những vườn cây tầm vông ở địa phương.
Mô hình sản xuất chế biến cây tầm vông trong xã có đặc điểm là chi phí sản xuất thấp nhưng giá trị lợi nhuận khá cao, hàng năm đạt từ 40-50 triệu đồng/ha. Từ đó, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Ngoài việc phát triển nghề truyền thống, xã Lương Phi còn có 1 HTX nông nghiệp và 4 tổ liên kết sản xuất, thu hút 76 hộ tham gia với diện tích 1.195ha.
Lãnh đạo xã cho biết, đang tiếp tục vận động các hộ dân có điều kiện tham gia vào HTX, nhằm đưa hoạt động kinh tế hợp tác ngày càng hiệu quả hơn. Đặc biệt là cần người dân dân liên kết hình thành các HTX trồng dược liệu, chăn nuôi heo hoặc HTX nấu đường thốt nốt, hay HTX chế biến cây tầm vông trên địa bàn xã.
Nâng tay nghề và truyền nghề
Việc tạo sinh kế với nghề truyền thống không chỉ ở xã Lương Phi, mà còn ở nhiều xã khác của huyện Tri Tôn. Qua thống kê, rà soát trên địa bàn huyện hiện có 338 cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn. Điển hình như nghề đường thốt nốt, uốn tầm vông, sản xuất đệm bàng, gỗ gia dụng, đan lát tre, cơ sở làm cà ràn, hàn tiện, se nhang, sản xuất chiếu, đan lục bình...
Các cơ sở ngành nghề truyến thống, nghề thủ công đã hoạt động từ nhiều năm, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương trong thời gian qua.
Ngành nghề nông thôn đã tạo nhiều công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: TL) |
Trong kế hoạch hỗ trợ, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn năm 2020, huyện đã và đang phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh An Giang tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn nhằm nâng cao tay nghề và truyền nghề, kỹ năng quản lý, kỹ năng kỹ thuật sản xuất cho lao động nông thôn, cơ sở sản xuất, HTX, tổ hợp tác trong các làng nghề.
Đối tượng đào tạo nghề truyền thống là những lao động ở các xã, thị trấn có các sản phẩm thuộc làng nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản ngành nghề nông thôn. Huyện xác định đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động phải gắn với các nghề, làng nghề truyền thống.
Theo đó, huyện sẽ đào tạo kiến thức về kỹ thuật và thiết kế sản phẩm cho thợ thủ công. Đối với làng nghề, huyện khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài tỉnh An Giang kèm cặp, bồi dưỡng truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ.
Đặc biệt, huyện sẽ chủ động tìm kiếm các chương trình, dự án quốc tế để thu hút các chuyên gia về phát triển sản phẩm, chuyên gia kỹ thuật sản xuất và thị trường nhằm hỗ trợ cho đội ngũ giảng dạy ở các cơ sở dạy nghề và làng nghề.
Thanh Loan