Mới đây, huyện Gò Quao phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã tổ chức khai giảng lớp kỹ thuật nuôi tôm càng xanh tại ấp Phước An, xã Thủy Liễu.
Triển vọng nghề nuôi tôm càng xanh
Các nông dân trong xã đã được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao đất, cách chăm sóc nuôi dưỡng tôm, chọn giống, thức ăn; hướng dẫn cách làm ao nuôi; biện pháp phòng và điều trị các bệnh thường xảy ra trên tôm càng xanh. Khi kết thúc lớp học, họ được Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp Hội Nông dân tỉnh cấp chứng chỉ nghề.
Người dân Gò Quao thu hoạch tôm càng xanh trên ruộng lúa. |
Việc mở lớp dạy nghề này nhằm thực hiện tốt đề án đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp các hộ nuôi tôm trang bị thêm những kiến thức khoa học kỹ thuật, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Từ đó, góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi thuỷ sản ở địa phương.
Trong thời gian qua, phong trào nuôi tôm càng xanh phát triển khá mạnh ở huyện Gò Quao khi cho thấy rõ giá trị kinh tế cao, ít rủi ro, thời gian nuôi từ 5- 6 tháng.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Huệ, ở ấp Thắng Lợi, xã Vĩnh Thắng – một trong những nông dân từng tham gia lớp học nghề nuôi tôm càng xanh: Việc học nghề nuôi tôm càng xanh đã giúp công việc nuôi tôm của gia đình tôi được tốt hơn, thời gian nuôi ngắn hơn, tôm thu hoạch có kích cỡ đều và lớn hơn, tỷ lệ tôm càng dây, càng xào rất ít; bán được giá hơn.
Ông Dương Duy Duyệt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Gò Quao, cho biết trước đây đất trồng lúa ở các xã Vĩnh Phước A, Vĩnh Thắng, Vĩnh Tuy, Thới Quản, Thủy Liễu và một phần thị trấn Gò Quao luôn bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nên năng suất thấp. Từ khi có chủ trương chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa và tôm - khóm, người dân bắt đầu có thu nhập ổn định, dần dần vươn lên khá, giàu.
Nhờ vào việc chuyển đổi này, tích cực tham gia các lớp học nghề nuôi tôm đã giúp người dân địa phương thu lợi cả trăm triệu đồng mỗi héc ta.
Hiện nay, với 1 ha nuôi tôm (tôm thẻ, sú và tôm càng), mỗi năm nông dân thu hoạch tôm 2 vụ, lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng, cá biệt có hộ lãi 80 triệu đồng/năm. Tổng diện tích đất lúa ở Gò Quao chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa và tôm - khóm là 3.800 ha, trong đó tôm - lúa 2.400 ha và tôm - khóm 1.400 ha.
Đi lên từ nông nghiệp
Từ việc chuyển đổi này, chú trọng đào tạo nghề nuôi tôm càng xanh, huyện đang tiến tới thành lập các HTX trong lĩnh vực này để liên kết sản xuất giúp người dân ổn định khâu nuôi trồng và đầu ra sản phẩm.
Hiện nay, kinh tế tập thể của huyện Gò Quao khá phát triển về số lượng và nâng lên về chất lượng hoạt động, với 37 HTX và 436 tổ hợp tác. Một số HTX mới thành lập với những mô hình nghề nghiệp mới thích ứng với xâm nhập mặn đang cho thấy những triển vọng, tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương.
Gò Quao chú trọng đào tạo những nghề trồng trọt cây trồng mới thích ứng với xâm nhập mặn. |
Điển hình như HTX nông nghiệp hữu cơ thanh niên huyện Gò Quao ở ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa được thành lập từ tháng 3/2020, hiện chuyên về trồng nấm rơm hữu cơ với kết quả rất khả quan và sắp tới còn trồng thêm một số rau xanh hữu cơ và sản xuất phân hữu cơ cung cấp cho thị trường.
Thế mạnh của HTX này là có lực lượng lao động trẻ được đào tạo nghề có chuyên môn về bảo vệ thực vật và công nghệ thông tin nên việc tìm hiểu, nghiên cứu cách thức, kỹ thuật trồng trọt hữu cơ cũng dễ dàng.
Huyện Gò Quao xác định phải đi lên từ nông nghiệp, muốn nâng cao đời sống cho nhân dân thì chú trọng vào việc đào tạo nghề nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển tốt các mô hình kinh tế tập thể, biết ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Trong 5 năm trở lại đây, huyện đã mở được hàng trăm lớp dạy nghề ngắn hạn cho các lao động nông thôn tiếp cận những kiến thức mới về trồng trọt và chăn nuôi, bao gồm: Kỹ thuật chăn nuôi tôm, lợn, gà, cá, lươn, ếch, trồng lúa chất lượng cao, trồng cây hồ tiêu, cây ăn quả, kỹ thuật trồng nấm rơm, bào ngư, linh chi…
Sau đào tạo, một số nghề đã đem lại hiệu quả rõ rệt, người dân ở nông thôn đã tận dụng được thời gian nông nhàn để tổ chức sản xuất tạo ra các loại hàng hóa đa dạng và phong phú góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở Gò Quao là 55,6 triệu đồng/người/năm, tăng 38,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2010.
Thanh Loan