Hiện nay nghề chăn nuôi bò được huyện Tân Phú Đông chọn là nghề chủ lực trước biến đổi khí hậu. Toàn huyện có hơn 2.530 con bò, tăng gấp đôi so với 4 năm trước, trong đó, dự án Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo cù lao, gọi tắt là dự án Heifer, đã hỗ trợ cho nhân dân xã Phú Thạnh và Phú Đông 822 con.
Triển vọng nghề chăn nuôi bò, vịt biển
Qua khảo sát thực tế, so với các loại gia súc, gia cầm, nuôi bò ở huyện cù lao này thích nghi hơn, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhất là bò chống chịu tốt với điều kiện nắng nóng, thiếu nước, nước mặn xâm nhập vào mùa khô, đặc biệt là nguồn cỏ làm thức ăn phong phú, ít xảy ra dịch bệnh nguy hiểm và tận dụng được lực lượng lao động tại nông hộ.
Nghề chăn nuôi bò giúp người dân Tân Phú Đông thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Theo đánh giá của nông dân, thị trường tiêu thụ bò tương đối thuận lợi, giá bán ổn định ở mức cao, bình quân nuôi một con bò trong thời gian 3 năm, người chăn nuôi thu lãi không dưới 20 triệu đồng.
Chính từ triển vọng như vậy nên hoạt động đào tạo nghề trong lĩnh vực này được chú trọng. Như hồi năm ngoái, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Tiền Giang đã phối hợp cùng Hội nông dân huyện Tân Phú Đông và hai xã Phú Thạnh, Phú Đông tổ chức khai giảng hai lớp dạy nghề chăn nuôi bò.
Thông qua lớp học này, người dân tại hai xã trên được truyền thụ kiến thức về lựa chọn bò giống, kỹ thuật chăm sóc, xây dựng chuồng trại, phối giống, chế độ dinh dưỡng...để bò phát triển tốt. Họ còn được hướng dẫn kiến thức khởi nghiệp và các kiến thức bổ trợ trong việc canh tác, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cây trồng cho vật nuôi.
Ngoài ra, huyện Tân Phú Đông cũng đang mở rộng các mô hình chăn nuôi khác để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đơn cử như mô hình chăn nuôi vịt biển thí điểm tại 2 xã Phú Đông và Phú Tân đang cho thấy những hiệu quả rất tốt.
Bà Đỗ Thị Kim Hiếu, ấp Rãnh, xã Phú Đông, là một trong những hộ đầu tham gia mô hình, đã được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi vịt biển ở điều kiện hạn mặn.
Theo bà Hiếu, do uống nước mặn và sống được ở những nơi có độ mặn cao, loại vịt biển thích nghi được với thời tiết khắc nghiệt của vùng biển là thiếu nước ngọt vào mùa khô hàng năm.
Theo giới chuyên gia, việc triển khai mô hình nuôi vịt biển ở Tân Phú Đông nhằm hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để góp phần cải thiện đời sống nông hộ tại các vùng ven biển.
Biến thách thức thành cơ hội
Mặt khác, mô hình trên còn giúp đa dạng hóa đối tượng vật nuôi ở huyện này nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển nghề chăn nuôi trên địa bàn bị xâm nhập mặn thông qua tận dụng công nhàn rỗi và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương.
Ngoài nghề chăn nuôi, hiện nay người dân huyện cù lao còn tích cực học hỏi nhiều nghề nông nghiệp khác phù hợp với chủ trương tái cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích ứng biến đổi khí hậu, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển.
Nghề trồng sả ở xã Phú Thạnh với vai trò tích cực của HTX Cây sả Tân Phú Đông. |
Huyện đã mở ra nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi thích hợp môi trường đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu, với hai giống cây trồng chủ lực là mãng cầu Xiêm (914 ha), cây sả (1.600 ha) và vật nuôi chính là con tôm (6.300 ha).
Như với cây sả, vừa qua, HTX Cây sả Tân Phú Đông tại ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh được thành lập với tổng số 22 thành viên với mục tiêu hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ tối đa lợi ích của thành viên, có tích lũy, hoạt động có hiệu quả, đảm bảo HTX phát triển bền vững.
Thông qua hoạt động của HTX này đang giúp các thành viên áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân địa phương, từng bước nâng cao giá trị và thương hiệu cây sả Tân Phú Đông.
Bên cạnh lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt thích ứng biến đổi khí hậu, thời gian qua, huyện Tân Phú Đông đã từng bước nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và quan tâm đào tạo nghề ở lĩnh vực này. Nhất là các ngành nghề thủ công được chú trọng, góp phần giải quyết tình trạng lao động nhàn rỗi và tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Như ở ấp Tân Định, xã Tân Thới, nghề thủ công phát triển đa dạng, với 150 hộ dân làm nghề thủ công gồm các nghề như se nhang, bó chổi, đan lục bình, đan dây nhựa…Phần lớn các mặt hàng thủ công được sản xuất tại ấp Tân Định có đầu ra khá ổn định.
Thanh Loan