Trong xu thế hiện nay, mối liên kết nông dân - trang trại - HTX hay liên kết giữa hộ nông dân - trang trại - doanh nghiệp đang trở thành xu thế tất yếu. Người nông dân nếu muốn tồn tại thì cần phải tham gia HTX, vì các doanh nghiệp cũng có xu hướng liên kết với nông dân thông qua một mắt xích quan trọng, đó chính là HTX.
Thiếu nguồn lao động
Để giúp nền nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao (CNC) cũng như giúp người nông dân có việc làm và thị trường sản xuất ổn định, Tp.HCM luôn ưu tiến phát triển kinh tế hợp tác (KTHT) mà đi đầu là các HTX. Vì khi các HTX phát triển, sẽ giúp ngành nông nghiệp của thành phố xây dựng được thương hiệu.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay nhiều HTX, đặc biệt là các HTX đổi mới theo Luật HTX 2012 trên địa bàn thành phố vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Ông Nguyễn Quốc Toản - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Phú Lộc (Củ Chi), cho biết HTX đang gặp khó khăn trong tìm kiếm lao động. “Là mô hình kiểu mới nên HTX có rất nhiều việc phải làm, từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ, từ bảo đảm lợi nhuận thành viên, đến phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, xây dựng website… Việc nhiều nhưng HTX lại khó tìm được nhân lực”.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Tp.HCM Lê Thị Hoàng Yến, hầu hết những người đứng đầu ở các HTX nông nghiệp là nông dân và đã trên 50 tuổi. Trong số này, chỉ khoảng 30% được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ đại học, cao đẳng, còn lại đều là tay ngang, đi lên bằng kinh nghiệm. Chính vì vậy, thu hút nguồn lao động và chú trọng đào tạo nghề, đào tạo quản lý HTX là việc làm vô cùng cần thiết.
Nhiều HTX ở Tp.HCM đã ứng dụng thành công kỹ thuật sản xuất tiến tiến vào sản xuất |
Nâng chất nguồn nhân lực
Nắm được nhu cầu và tình hình thực tế của các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp, Tp.HCM đã đẩy mạnh hỗ trợ các HTX. Trong đó, theo định hướng từ năm 2018 - 2020, thành phố chú trọng đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng, làm chủ công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; cập nhật kiên thức, thông tin về tiến bộ KH-CN cho 1.800 cán bộ quản lý doanh nghiệp, HTX. Bên cạnh đó, thành phố còn tiến hành đào tạo nghề cho khoảng 3000 lao động để tham gia sản xuất nông nghiệp CNC.
Để củng cố nguồn nhân lực cho các HTX nông nghiệp, hiện nay, công tác đào tạo nhân lực tại Tp.HCM đang đi vào trọng tâm, chú trọng theo từng chuyên ngành của các HTX nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý.
Đã có nhiều HTX ứng dụng thành công kỹ thuật sản xuất tiến tiến vào sản xuất, như HTX Tân Đức (huyện Củ Chi), HTX Hóc Môn Đơn Dương (huyện Hóc Môn), HTX Phước An (huyện Bình Chánh), Tổ hợp tác rau Trung Hiệp Thạnh (huyện Củ Chi)…
Trên thực tế, để thu hút những thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc tại HTX, từ năm 2013, Tp.HCM đã có chính sách hỗ trợ 1,2 triệu đồng đối với người có trình độ đại học, 8 trăm nghìn đồng đối với một người có trình độ cao đẳng. Trung bình 1 HTX được hỗ trợ 2 người.
Bên cạnh đó, thành phố còn hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ HTX vay vốn tín dụng, hỗ trợ vốn tối đa 100 triệu đồng/ HTX (theo Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 8/6/2015 của UBND thành phố). Tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, đến tháng 9/2019, trên địa bàn 56 xã xây dựng nông thôn mới có 76 HTX hoạt động (tăng 45 HTX so với năm 2010, tăng 31 HTX so với năm 2015) với 1.370 thành viên, bình quân 18 thành viên/HTX.
Chất lượng hoạt động của HTX đang dần được củng cố, quy mô vốn bình quân năm 2019 là 5.856,9 triệu đồng/HTX (tăng 2,24 lần so với năm 2010), doanh thu bình quân năm 2019 là 5.843 triệu đồng/HTX (tăng 3,7 lần so với năm 2010), lợi nhuận bình quân năm 2019 là 542 triệu đồng/HTX.
Theo bà Lê Thị Hoàng Yến, bên cạnh chính sách của thành phố, việc các HTX chủ động sản xuất bảo đảm uy tín, xây dựng thương hiệu, chủ động trong sản xuất kinh doanh và nâng cao trình độ, năng lực phù hợp với thực tiễn là việc hết sức quan trọng. Đây cũng là nền tảng để thu hút nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao về làm việc tại các HTX.
Huyền Trang