Được giao trọng trách tổ chức dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật về nông nghiệp công nghệ cao cho lực lượng lao động thôn, sau gần 6 năm triển khai, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã đã mở gần 50 lớp đào tạo nghề, với hơn 1.000 học viên, ở 4 xã trên địa bàn thành phố.
Hình thành liên kết “4 nhà”
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt, cho biết: “Bên cạnh mục tiêu chuyển giao khoa học - công nghệ, trang bị kỹ thuật, nâng cao ý thức, các lớp đào tạo nghề phải là bệ phóng giúp nông dân khởi nghiệp, làm giàu bằng kiến thức đã được học”.
Với tôn chỉ rõ ràng, trong quá trình tổ chức dạy nghề, Trung tâm xác định dạy nghề phải gắn với vùng nguyên liệu, giúp nông dân đủ kiến thức để phát huy thế mạnh của từng vùng, từ đó, nâng cao năng suất, giá trị nông sản, tăng sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.
Trung tâm cũng chủ động kết nối với các doanh nghiệp (DN), HTX nhằm nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, những đòi hỏi về chất lượng nhân lực, để kịp thời điều chỉnh quy trình đào tạo. Việc kết nối với HTX, DN cũng là cơ hội để nông dân học hỏi kinh nghiệm, hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Những biến động của thị trường đòi hỏi công tác dạy nghề nông nghiệp cũng phải đổi mới liên tục để tránh tụt hậu. Các học viên vừa được học lý thuyết từ chuyên gia, vừa được gửi đến các DN, HTX để thực hành, giúp tay nghề tiến bộ nhanh, nhớ lâu”, bà Hạnh phân tích.
Sau 6 năm triển khai, hiệu quả của liên kết “4 nhà” gồm nông dân - cơ quan nhà nước - nhà khoa học (chuyên gia) - DN và HTX, đang giúp công tác đào tạo nghề nông nghiệp của Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt gặt hái nhiều thành công, với 100% nông dân được đào tạo đã có nghề.
Hiệu quả dạy nghề đang là bệ phóng cho nông dân Đà Lạt khởi nghiệp làm giàu |
Chìa khóa mở thành công
Trên nền tảng của các lớp dạy nghề, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã hỗ trợ thành lập được 2 HTX, là HTX Nông nghiệp Phước Lộc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn và HTX Dịch vụ Khải Hoàn, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cà phê.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, các HTX đang là đơn vị trải nghiệm thực tiễn cho nông dân trong quá trình học nghề, đồng thời, là “đầu ra” cho hàng chục lao động nông thôn sau đào tạo.
Điển hình như HTX Phước Lộc đang tạo việc làm cho 18 hộ thành viên và hàng chục hộ liên kết. Phát triển vùng rau, hoa công nghệ cao rộng trên 20 ha, HTX đạt lợi nhuận trung bình 300 triệu đồng/ha rau ngoài trời và từ 500 triệu đồng/ha trở lên đối với rau, hoa trong nhà kính.
Ông Nguyễn Đức Bình - Phó Giám đốc HTX này, cho biết: “Việc được tham gia các lớp đào tạo nghề giúp người nông dân nắm vững kỹ thuật, khoa học - công nghệ, nâng cao ý thức trong quá trình canh tác, giúp năng suất, chất lượng sản phẩm tăng, giá trị nông sản được bảo đảm”.
Tương tự, HTX Khải Hoàn đang là điểm tựa của 45 hộ thành viên, sản xuất trên diện tích hơn 100 ha cà phê theo chuẩn VietGAP. Vào HTX, thành viên, người lao động HTX được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc BVTV hiệu quả, cách ghi chép nhật ký nông hộ, hạch toán thu chi…
“Việc hình thành liên kết “4 nhà” là chìa khóa để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề. Trong chuỗi liên kết, HTX là đơn vị cầu nối giữa nhà nông, Nhà nước và nhà khoa học, vừa tham gia đào tạo, vừa là đơn vị tiếp nhận nguồn lao động sau quá trình học tập”, Giám đốc HTX Khải Hoàn - ông Lưu Trọng Nghĩa, nhấn mạnh.
Sáu Ngạn