Cả nước hiện có gần 25.000 HTX với trên 10 triệu thành viên, tăng gấp nhiều lần về số lượng kể từ khi Luật HTX 2012 có hiệu lực. Nhưng, chất lượng thành viên cũng như đội ngũ cán bộ HTX là điều quan trọng nhất. Trước đây khi hỏi về HTX, không nhiều người quan tâm nhưng hiện nay, người dân quan tâm đến HTX và sẵn sàng tham gia HTX.
Tham gia chuỗi liên kết
Chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2020 sẽ có 15.000 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng công nghệ cao. Khi xây dựng được những mô hình trên, mức độ hưởng lợi của thành viên sẽ rất lớn.
Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), yêu cầu phải xây dựng được mô hình HTX tham gia chuỗi liên kết là điều thay đổi đáng kể ở các HTX. Tuy nhiên, ở các địa phương để đạt tiêu chí trong xây dựng NTM nên có áp lực phải xây dựng HTX “bằng mọi giá”. Khi mà HTX được thành lập không xuất phát từ nhu cầu có thực của các thành viên sẽ không thuyết phục.
Ông Huỳnh Lam Phương - Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX miền Nam, đồng thời là người giữ vai trò Trưởng cơ quan đại diện phía Nam của Liên minh HTX Việt Nam, cho biết: “Qua tổng kết của chúng tôi ở rất nhiều tỉnh, cho thấy rằng khi các HTX hình thành như thế, thành viên không gắn bó với HTX và cũng chẳng tham gia góp vốn”.
Trong xu thế hội nhập, vấn đề khiến nhiều HTX gặp khó khăn khi bước ra sân chơi lớn là năng lực đội ngũ quản lý có hạn, nhất là về năng lực quản trị, marketing... Theo đó, HTX còn là mắt xích rất yếu trong chuỗi liên kết. Ở đây yếu trong liên kết ngang là giữa các thành viên trong HTX; giữa các HTX với nhau chưa cao. Về liên kết dọc giữa HTX với doanh nghiệp cũng còn lỏng lẻo.
Để khắc phục những hạn chế trên, không có cách nào khác ngoài nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý. Hoạt động của HTX cũng cần được công khai, minh bạch để tạo lòng tin của các thành viên. Các HTX không nên quá trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài mà phải tự hoàn thiện, nâng dần nội lực tự thân.
Cần quan tâm chất lượng nguồn nhân lực trong HTX |
Nâng cao năng lực cán bộ
Quan điểm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo kinh tế tập thể Trung ương là sẽ không có hướng dẫn trong vấn đề chuyển đổi HTX thành DN, vì 2 loại hình này có bản chất hoàn toàn khác nhau. Nếu thấy mô hình HTX không còn phù hợp thì nên giải thể, để thành lập mô hình khác hợp hơn.
Mục tiêu của DN là lợi nhuận. Còn HTX vì lợi ích chung của các thành viên, của cộng đồng. HTX đi tìm nhà cung cấp vật tư có giá tốt nhất không phải để bán lại kiếm lời nhiều mà để các thành viên được mua với giá thấp nhất. Điều này được quyết định bởi năng lực của những người trong HTX.
Thực tế, nhiều HTX thành lập mới vào năm 2018 và 2019 có đa số là người trẻ được đào tạo bài bản tham gia. Và, các bạn trẻ có khả năng tiếp cận về chính sách tốt hơn so với lớp người đi trước.
Với vai trò là Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX miền Nam, ông Phương khẳng định: Chương trình đào tạo về HTX được nhà trường cập nhật thường xuyên. Trong đó, có nhiều nội dung mới gắn với yêu cầu hội nhập hiện nay, như: Luật Kinh tế, quản trị học; kỹ năng đàm phán và ký hợp đồng; quản trị sản xuất; quản trị chất lượng; quản trị tài chính HTX; xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh...
“Tôi thấy trong thực tế, nhiều HTX đã quan tâm thu hút nguồn nhân lực trẻ vào HTX. Đội ngũ trẻ được đào tạo bài bản này đang làm rất tốt. Đã qua thời hô hào, vận động thành viên tham gia theo kiểu “vác tù và hàng tổng”. Các HTX phải trả lương cao để thu hút, giữ chân người tài. Nhưng điều quan trọng không kém là phải chọn được người có tâm huyết, gắn bó với HTX”, ông Phương cho biết thêm.
Hà Xuyên