Đáng chú ý, HTX Quốc Noãn ở xã Trường Thắng là một đơn vị trong khu vực kinh tế hợp tác có những hoạt động góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
HTX phối hợp mở lớp dạy nghề
HTX Quốc Noãn được thành lập năm 2013 và đến nay phối hợp dạy 16 lớp nghề đan đát, với trên 500 lao động. Lúc đầu, lao động đan cần xé các cỡ bán cho thương lái, bỏ mối các chợ; sau đó, tận dụng ruột tre, trúc làm thêm bội trồng hoa kiểng.
HTX Quốc Noãn hỗ trợ đào tạo nghề cho nhiều lao động địa phương. |
Vài năm gần đây, được Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương) hỗ trợ mở lớp tập huấn ngắn hạn nâng cao tay nghề, HTX hướng dẫn một số lao động khéo tay, tỉ mỉ làm thêm các mặt hàng quà lưu niệm, giỏ thời trang…
Giám đốc HTX Quốc Noãn Nguyễn Ngọc Nà cho biết: “HTX có trên 40 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ. Nhờ Đề án Đào tạo nghề, lao động trong xã được học nghề đan đát từ cơ bản đến nâng cao, làm ra các sản phẩm phục vụ du khách trong và ngoài nước”.
Tương tự, HTX Phú Thọ (xã Trường Xuân) cũng đang duy trì hiệu quả các mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm tại địa phương. Hàng năm, HTX Phú Thọ liên kết với địa phương, doanh nghiệp, tham gia dạy nghề may gia công cho 70 – 150 lao động các xã, thị trấn.
Đại diện HTX Phú Thọ cho biết HTX đã từng bước ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ. Từ khi thành lập đến nay, HTX chủ động tìm nguồn liên kết, hợp đồng may gia công cho các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân.
“Xác định tạo việc làm cho lao động nông thôn là mục tiêu trọng điểm, thời gian qua, huyện đã chú trọng liên kết, phối hợp với các địa phương, cơ sở đào tạo, phát huy vai trò của HTX, doanh nghiệp, để xây dựng mô hình dạy nghề hiệu quả cho người dân”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai nói.
Tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề
Qua 10 năm (2010 - 2019) triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Thới Lai đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về mục đích, ý nghĩa và vai trò của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với sự phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, góp phần giảm nghèo.
Thực hiện việc xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, huyện Thới Lai đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động bền vững vừa đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, lại đáp ứng với trình độ tuyển dụng của doanh nghiệp và ứng dụng thực tế tại địa phương.
Các lớp học đào tạo nghề thường xuyên được tổ chức. |
Chia sẻ về hướng tới đây, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: Năm 2020, huyện Thới Lai tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề trên địa bàn huyện, từ đó có huớng đề xuất nhu cầu học nghề phù hợp.
Dự kiến trong năm 2020, huyện Thới Lai sẽ đào tạo nghề cho 1.400 lao động nông thôn (trong đó có khoảng 250 hộ là hộ nghèo, cận nghèo, chính sách), lĩnh vực nông nghiệp 560 lao động; lĩnh vực phi nông nghiệp 840 lao động. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 81,5%.
Đánh giá về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai Nguyễn Văn Hoàng khẳng định: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các thành viên Ban chỉ đạo huyện, các xã, thị trấn và người lao động quan tâm, nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, đối với phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ổn định cuộc sống của người lao động sau học nghề.
Thy Lê