Là xã thuộc vùng sâu, xa, vùng biên giới của huyện Bù Gia Mập, dân số ở xã Bù Gia Mập hiện có hơn 7.000 người, trong đó 73% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu dân tộc bản địa S’tiêng. Xã hiện có tổng diện tích cây trồng 3.161,3 ha, phần lớn là cây điều, tiêu và cao su.
Ưu tiên nguồn nhân lực
Cùng với phát triển kinh tế tập thể, xã Bù Gia Mập đã có nhiều chuyển biến trong công tác giảm nghèo bền vững và chăm lo đời sống, đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm người dân tộc thiểu số.
Điển hình là HTX nông nghiệp Bù Gia Mập đang là một trong những mô hình tiêu biểu, hoạt động tốt của xã Bù Gia Mập và của huyện, đã góp phần vào việc chăm lo đời sống cho người lao động S’tiêng tại địa phương.
Người lao động S’tiêng ở Bình Phước với nghề thủ công truyền thống |
Theo bà Trần Thị Yến, Giám đốc HTX nông nghiệp Bù Gia Mập, những hộ lao động là người S’tiêng khi tham gia HTX trong thời gian qua đã có hoạt động sản xuất khá hiệu quả.
Hiện nay, HTX có 136 thành viên với tổng diện tích 543,8 ha. Những năm qua, HTX đã triển khai áp dụng quy trình sản xuất điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic.
Không chỉ ở Bù Gia Mập, công tác giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động nông thôn là đồng bào dân tộc thiểu số luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bình Phước với sự góp phần của kinh tế tập thể.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước có khoảng 196.446 người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 20,14% tổng dân số. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình dự án đầu tư, phát triển kinh tế tập thể ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, những chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm đã đạt kết quả tích cực, đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện.
Tuy nhiên, để gia tăng tốc độ giảm nghèo của các hộ nghèo dân tộc thiểu trong tỉnh thì còn nhiều việc phải làm. Nhất là theo ước tính còn khoảng 3.379 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 50,45% tổng số hộ nghèo của tỉnh.
Theo ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương, tỉnh Bình Phước cần ưu tiên nguồn nhân lực thực hiện các chính sách dân tộc nhằm tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, quan tâm hỗ trợ nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững.
Phát triển HTX gắn với đồng bào dân tộc thiểu số
Giới chuyên gia cho rằng để giải quyết triệt để tình trạng hộ nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu của tỉnh Bình Phước thì một trong những giải pháp trọng tâm là cần chú trọng đào tạo nghề cho họ. Vấn đề cơ bản lâu dài là đào tạo nghềm nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào, làm cơ sở cho khả năng tự điều tiết, tự lo ổn định phát triển cuộc sống của mình.
Theo ông Bùi Viết Trung (Khoa Xây dựng Đảng, trường Chính trị tỉnh Bình Phước), thông qua giáo dục, đào tạo, trình độ dân trí được nâng lên sẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, chính trị, xã hội ở vùng các dân tộc thiểu số, làm cho cuộc sống của đồng bào chuyển biến theo hướng ngày càng tốt hơn.
Nhất là cần khai thác tiềm năng nông thôn về ngành nghề thủ công truyền thống, du lịch vườn cây, sinh thái với nghiên cứu văn hóa dân tộc như Khu bảo tồn văn hóa S’tiêng sóc Bom Bo. Tạo điều kiện cho đồng bào trực tiếp tham gia vào các hoạt động dịch vụ.
Các HTX nông nghiệp góp phần tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số ở Bình Phước |
Ông Trung nhấn mạnh cần tổ chức các lớp đào tạo nghề miễn phí từ các nguồn quỹ Khuyến học, Khuyến công… để giúp thanh niên nghèo người đồng bào có việc làm, tăng thu nhập.
Đặc biệt là hỗ trợ thanh niên nghèo người đồng bào có điều kiện học những nghề phổ biến, phù hợp với trình độ và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương như: cạo mủ cao su, sửa xe gắn máy, điện dân dụng, chăn nuôi, xây dựng… Thanh niên nghèo dân tộc được miễn hoàn toàn học phí, được hỗ trợ tập, viết và trang bị phòng hộ trong thời gian học nghề.
Để hoạt động của HTX gắn chặt hơn với người lao động là dân tộc thiểu số ở Bình Phước, nhiều ý kiến lưu ý nên tạo điều kiện để các HTX tiếp cận các nguồn lực về đất, vốn. Nhất là cần quan tâm hơn nữa đến các HTX có đông thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh và chú trọng phát triển các tổ hợp tác, HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thanh Loan