Từng là nạn nhân của bạo lực gia đình nhưng đến nay cuộc sống của chị Sùng Thị Sy, dân tộc Mông (Đồng Văn - Hà Giang) đã bước sang trang mới.
Điểm tựa cho phụ nữ vùng cao
Chị Sùng Thị Sy nhớ như in lần nhận được trên 6 triệu đồng tiền lương tháng đầu tiên mà HTX Lanh Trắng ở xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) chi trả, đã không khỏi xúc động vì biết rằng từ nay cuộc sống của mình sẽ đổi thay.
Công tác đào tạo nghề luôn được HTX Lanh Trắng chú trọng. |
Chị Sy tâm sự, sau khi nhận được tháng lương đầu tiên với mức thu nhập ngoài sự mong đợi của một người phụ nữ sống trong hoàn cảnh bị gia đình ruồng bỏ, lại luôn được sống trong sự đùm bọc chia sẻ của các chị em trong HTX, chị đã thấy sự tự tin vào bản thân mình nhiều hơn.
Chị Sy kể, chị là một trong những người được HTX dạy nghề, sau đó trở thành thành viên của HTX. Đến nay, chồng chị cũng bắt đầu tham gia nên thu nhập của gia đình chị ngày càng ổn định, không còn cảnh đói kém như trước.
“Mới đây, tôi cùng HTX Lanh Trắng bảo vệ thành công “Đề án phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên”. Đây là 1 trong 5 đề án khởi nghiệp xuất sắc được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ vốn mức cao nhất (100 triệu đồng) để tiếp tục phát triển”, chị Sy vui mừng cho biết.
Nhiều năm nay, HTX Lanh Trắng trở thành điểm tựa vững chắc của khá nhiều phụ nữ có hoàn cảnh éo le như chị Sùng Thị Sy. Những hoàn cảnh khó khăn được Ban điều hành của HTX tiếp nhận, tạo việc làm trong HTX và được các chị em trong HTX đùm bọc, động viên chia sẻ, giúp đỡ… đối với các chị cuộc sống như được hồi sinh.
Dù bận rộn với đơn hàng dồn dập nhưng chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đồng Văn, đồng thời là Tổ trưởng Tổ sản xuất của HTX Lanh Trắng vẫn không quên công việc đào tạo nghề dệt lanh trắng cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Chị Vàng cho biết: “HTX Lanh Trắng đào tạo nghề hoàn toàn miễn phí cho các chị em phụ nữ. Chưa kể, mỗi chị em đến đây học nghề còn được hỗ trợ 30.000 đồng/ngày. Đến nay, HTX trở thành nơi dạy nghề cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật hay là chốn tìm về của nhiều cảnh đời éo le, khốn khổ… Và sau khi được dạy nghề, họ sẽ trở thành thành viên của HTX, tham gia vào các công đoạn làm lanh".
Cái nghèo đã đi thật xa
Đến nay, HTX đã có những phát triển nhất định, tạo công ăn việc làm cho trên 95 hội viên phụ nữ là những chị em khó khăn. Thành viên HTX đã dạy nghề thêm được 2 lớp và thành lập được 3 tổ hợp tác liên kết.
HTX trở thành nơi dạy nghề cho phụ nữ vượt qua khó khăn. |
Hiện trên địa bàn huyện có 15 trên tổng số 19 xã thị trấn tham gia mô hình liên kết với HTX Lanh Trắng, mỗi xã/thị trấn ít nhất có 1 nhóm khoảng 7-10 người tham gia.
Chị Vàng Thị Cầu cho biết: “HTX đã có những đơn hàng như từ Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật. Đơn hàng nước ngoài đầu tiên là túi đựng tài liệu cho các đại biểu dự hội nghị của UNESCO. Sau đó, chúng tôi đã phát triển đi Nhật khá là nhiều sản phẩm khác”.
Ông Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, mô hình dệt lanh thổ cẩm này hình thành từ 2017. Tham gia hoạt đông của HTX Lanh Trắng, phụ nữ địa phương phát huy được năng lực và có nguồn thu nhập ổn định, qua đó bình đẳng giới cũng được phát huy, bạo lực gia đình cũng giảm bớt, người phụ nữ có vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội.
"Huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để mô hình này tiếp tục phát triển và nhân rộng”, ông Dinh Chí Thành cho biết thêm.
Sự thành công trong đào tạo nghề của HTX Lanh Trắng là tấm gương điển hình cần được nhân rộng để nâng cao hiệu quả trong chương trình đào tạo nghề nông thôn ở Hà Giang.
Thy Lê