Mô hình dạy nghề “nông dân dạy nông dân” thực tế đã được triển khai từ rất lâu và mang lại hiệu quả cao tại Quảng Bình.
Nâng cao năng lực cho nông dân
Trước đây anh Đinh Văn Đàn, ở xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chỉ làm nông nghiệp theo kinh nghiệm tự học, cơm không đủ ăn, gia cảnh nghèo khó, con cái không đủ tiền ăn tiền học. Thế nhưng, từ ngày anh cùng bà con trong xã được giới thiệu đến thăm quan và học tập mô hình trồng keo lai của anh Lê Anh Xuân, cùng xã Hồng Hoá, anh đã về học làm theo. Anh Đàn là một trong những nông dân hưởng lợi từ dự án dạy nghề "cầm tay chỉ việc" tỉnh Quảng Bình triển khai.
Không chỉ triển khai mô hình chăn nuôi bò giỏi, anh Nguyễn Văn Bồn ở xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình còn là nông dân trực tiếp tham gia dạy nghề cho nhiều nông dân trên địa bàn huyện. |
Cũng được học nghề theo kiểu “nông dân dạy nghề cho nông dân”, anh Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá cho biết, trước đây bản thân anh và những thành viên trong gia đình thường chăn nuôi theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức khoa học nên bò thường hay ốm đau và phải mời thú y về chăm sóc, chữa trị. Chi phí dù không tốn kém quá nhiều nhưng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi và không yên tâm.
“Trong quá trình chăn nuôi, thấy nhiều gia đình được tập huấn kinh nghiệm và kiến thức khoa học về chăm sóc và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm nên đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng tốt, ít bị bệnh. Do vậy, bản thân tôi đã đến nhà một nông dân nuôi bò giỏi để học kỹ thuật nuôi bò cái sinh sản. Nhờ được hỗ trợ tư vấn, truyền đạt kinh nghiệm mà nay tôi đã áp dụng được vào sản xuất, chăn nuôi bò tại nhà, mang lại hiệu quả rất rõ rệt”, anh Tuấn cho biết.
Gần 90 nghìn lao động nông thôn được học nghề
Ông Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cho biết, mô hình nông dân dạy nghề cho nông dân như trên đã được triển khai nhiều năm nay tại Quảng Bình, rất phù hợp trong dạy nghề nông nghiệp ở địa phương.
"Thời gian tới Quảng Bình tiếp tục ứng dụng mô hình này trong dạy nghề, khuyến nông, tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân", ông Toán nói.
5 năm qua, các cấp Hội nông dân tỉnh Quảng Bình đã phối hợp các trường, trung tâm dạy nghề tổ chức 350 lớp dạy nghề cho 10.563 hội viên, trực tiếp dạy nghề cho 1.470 hội viên, nông dân; Phối hợp với các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 53 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 1.671 lao động; giới thiệu 326 lao động làm việc trong và ngoài nước, tổ chức tư vấn việc làm cho 2.033 lượt người, góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân.
Mô hình nông dân dạy nghề cho nông dân đã giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm, ổn định thu nhập. |
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2019 toàn tỉnh đào tạo nghề cho 12.000 lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng 200 người, trung cấp 1.300 người, sơ cấp và dưới 3 tháng cho 10.500 người.
"Kết quả này góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh lên 47,5%. Mỗi huyện, thị xã, thành phố cũng đã xây dựng 1 mô hình đào tạo nghề nông nghiệp, 1 mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp có hiệu quả, tổ chức đánh giá và nhân rộng" ông Sơn nói.
Theo tìm hiểu, đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của UBND tỉnh Quảng Bình sẽ đào tạo nghề (cả 3 cấp trình độ) cho 89.700 lao động nông thôn được học nghề. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề khoảng 18.000 lao động, trong đó số lao động được hỗ trợ chi phí học nghề là 10.000 người/năm, gồm: Học nghề nông nghiệp: 4.000 người; học nghề phi nông nghiệp 6.000 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề tối thiểu chiếm 80%.
Theo đánh giá của các chuyên gia lao động, các mô hình đào tạo lao động nông thôn như ở Quảng Bình đang khá hiệu quả và phát huy được tiềm năng lao động ở địa phương. Đặc biệt, mô hình nông dân dạy nông dân đã và đang cho thấy hiệu quả rõ rệt. Bởi, phần lớn giáo viên và người học không cảm thấy có khoảng cách, thậm chí họ còn tìm được tiếng nói chung trong quá trình dạy và học. Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp cầm tay chỉ việc và áp dụng thực hành ngay vào quá trình sản xuất tại nhà đã giúp cho người nông dân tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
Hà Nam