Xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa nằm ven sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình. Những năm qua, người dân ở đây chỉ chủ yếu là trồng trọt và hầu như phụ thuộc vào thiên nhiên nên đời sống còn nhiều vất vả. Những năm gần đây, phát huy được thế mạnh chiều dài tự nhiên ven sông Gianh nên bà con phát triển nghề nuôi cá lồng.
Nuôi cá lồng giúp thành viên HTX Bình Minh nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống |
Phát huy lợi thế tự nhiên
Ông Nguyễn Văn Thế, một chủ lồng cá chia sẻ, từ khi có HTX, các thành viên được hỗ trợ kỹ thuật, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm...Từ đó, ổn định đầu ra, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
"Gia đình tôi nuôi được 3 lồng cá, do cá nuôi trên sông Gianh lại được chăm sóc một cách tự nhiên nên cá có chất lượng thịt chắc và rất thơm ngon. Do đó, thương lái thường xuyên tìm đến đặt mua cá với số lượng lớn. Hiện nay, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ nuôi cá lồng ở Châu Hóa được thương lái đặt trước vụ mua. Đến kỳ thu hoạch là họ đến mua toàn bộ số cá trong lồng”, ông Thế cho biết.
Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa cho hay: “Chúng tôi có chủ trương thành lập HTX nuôi trồng và khai thác rồi vận động bà con tham gia. Từ khi HTX thành lập và đi vào hoạt động, UBND xã đề nghị với Trung tâm khuyến nông, Phòng nông nghiệp huyện cử cán bộ về tập huấn kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá. Từ đó, việc nuôi trồng ngày càng có hiệu quả”, ông Hoàng nói.
Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc HTX nuôi trồng và khai thác thủy sản Bình Minh cho biết, ở thôn Kinh Châu xã Châu Hóa làm nông là nghề chính. Trước đây, người dân mạnh ai nấy làm, nhưng kể từ khi HTX Bình Minh được thành lập, các thành viên của chúng tôi được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật nên họ rất phấn khởi. Chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các thành viên HTX ngày càng được nâng cao. Từ vài lồng cá ban đầu, đến nay Châu Hóa có trên 100 lồng nuôi các loại cá trắm cỏ, cá rô phi, cá chép, cá lăng chấm…”, ông Minh phấn khởi cho biết.
Đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ
Theo thành viên các HTX, mỗi lồng cá có thể tích khoảng 18m3, chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng. Khi thả cá giống như trắm cỏ tùy theo năng lực lao động mà tăng số lượng cá. Trung bình mỗi lồng ban đầu có thể thả từ 300 - 800 con giống. Với đặc tính cá trắm cỏ không ăn thức ăn chế biến hoặc nông sản mà chỉ có cỏ trên cạn, cỏ dưới nước và một số lá cây trồng như sắn, bí… Vì vậy, các gia đình không phải đầu tư mua thức ăn, mà chỉ phải bỏ công đi bứt, kiếm về làm thức ăn cho cá.
Mỗi con cá trắm cỏ nuôi 1 năm trên sông Gianh cho trọng lượng khoảng 3,5kg, trừ chi phí, người nuôi thu lãi khoảng 50 nghìn đồng |
Theo ông Hoàng Văn Minh, thời gian thả được một năm, cá nặng khoảng 2,5- 4kg/con thì có thể bán được, thu khoảng 7 đến 9 triệu đồng/lồng/năm. Nhiều gia đình nuôi đến hai năm cho cá có độ lớn và thị trường ưa thích hơn. Trung bình cá nuôi hai năm đạt trọng lượng 5-7 kg/con, giá trung bình từ 60 đến 65.000đồng/kg. Tính trung bình mỗi lồng cá với 500 con, mỗi con từ 5-7 kg sẽ cho lãi trên 15 triệu đồng. Nếu gia đình nào nuôi từ hai lồng trở lên thì thu lãi hơn 30 triệu đồng. Đó là số tiền không hề nhỏ đối với người dân vùng khó như ở xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá”, ông Minh nhìn nhận.
Phấn khởi hơn, từ đầu năm 2019, các hộ dân trong HTX được dự án giảm nghèo bền vững về tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ giống cá lăng chấm đưa vào nuôi thử nghiệm. Dù đây là lần đầu tiên người dân đưa một giống cá mới vào nuôi, nhưng kết quả cho thấy rất khả quan. Tuy nhiên, cá lăng chấm lại nuôi bằng thức ăn chế biến hoặc phải mua nên chi phí ban đầu cũng đáng kể. Tính trung bình mỗi năm, mỗi lồng cá lăng cho thu khoảng 35 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn gần 20 triệu đồng, người nuôi lãi trên 15 triệu đồng.
"Chúng tôi hy vọng, sắp tới, không chỉ cá lăng chấm, mà sẽ có nhiều giống cá mới được đưa về nuôi. Các thành viên trong HTX có nhiều sự lựa chọn hơn, góp phần nâng cao đời sống cho bà con”, ông Minh kỳ vọng.
Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa cho biết thêm, thời gian tới xã quan tâm đến việc nuôi trồng bền vững, tăng cường liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con và duy trì thu nhập ổn định.
"Từ cơ sở này, UBND xã Châu Hóa sẽ có kế hoạch cụ thể để mở rộng, phát triển mạnh hơn nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh và hướng đến sản phẩm chất lượng cao”, ông Hoàng nói.
Phạm Duy