Chính vì vậy, trong những năm vừa qua, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ngày càng giảm, ý thức của người lao động trong các tổ hợp tác, HTX thủy sản ngày càng được nâng cao.
An toàn là trên hết
Tháng 8/2019, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, chế biến thủy sản Long Tám, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới thành lập và đi vào hoạt động. HTX có 9 thành viên, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, hoạt động với các ngành nghề: sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm thủy, hải sản, gồm nước mắm, ruốc khô, ruốc quyết, cá, mực, tôm và dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường bộ.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, HTX Long Tám tiêu thụ khoảng 300 tấn thủy hải sản các loại. Ngoài hơn 10 lao động là thành viên, HTX còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Lao động của các HTX được tham gia các lớp tập huấn để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc (Ảnh:TL) |
Để các thuyền viên vươn khơi đánh bắt thuỷ hải sản và các tài xế thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ, đường bộ, HTX thường xuyên cử người lao động tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về an toàn giao thông do Sở GTVT, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng hay lực lượng Cảnh sát biển tổ chức.
Giám đốc Đào Thị Tám cho biết, ngay từ khi thành lập, HTX xác định việc hợp tác giúp các thành viên liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thuỷ hải sản ổn định, nâng cao thu nhập phát triển kinh tế. Đồng thời, quá trình sản xuất phải đảm bảo an toàn, nhất là đối với những lao động trực tiếp tham gia đánh bắt thuỷ hải sản ngoài biển và những người lái xe làm dịch vụ vận tải hàng hoá đường bộ.
“Về thiết bị giám sát với thuyền đánh bắt, HTX lắp đặt đầy đủ hệ thống báo động, đèn tín hiệu và radio để thuyền viên nắm bắt thông tin về thời tiết và sẵn sàng liên lạc với các lực lượng chức năng như Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng để hỗ trợ ứng cứu khi không may sự cố xảy ra. Đối với các phương tiện vận tải đường bộ, chúng tôi cũng lắp đặt hệ thống camera hành trình, lắp hộp đen và công khai số điện thoại của Ban quản trị HTX để giám sát hành trình cũng như an toàn của các lái xe, đồng thời để cơ quan chức năng sẵng sàng liên lạc với lãnh đạo nhằm giải quyết tốt nhất các vụ việc phát sinh”, bà Tám cho biết.
Vào cuộc đồng bộ
Một điển hình khác trong công tác đảm bảo an toàn trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu thuỷ hải sản tại tỉnh Quảng Bình là HTX Thanh Trạch 1, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch. Phó Giám đốc Nguyễn Thị Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, HTX đã thu mua trên 200 tấn cá, 1.000 tấn sứa để chế biến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Việc xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng HTX xác định an toàn về sức khoẻ, an toàn lao động cho các lái xe, người lao động là trên hết.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản đảm bảo an toàn (Ảnh:TL) |
“Ngoài việc thực hiện nghiêm việc sử dụng cồn rửa tay, đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc, chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở và cử người lao động tham gia các lớp tập huấn về an toàn lao động, an toàn trật tự giao thông do Sở GTVT, Công an tỉnh và Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức. HTX muốn phát triển bền vững trước hết phải đảm bảo an toàn cho người lao động, đảm bảo mức thu nhập để họ yên tâm làm việc, đồng thời thường xuyên động viên, thăm hỏi để người lao động giảm áp lực, tỉnh táo trong công việc”, bà Hoà chia sẻ.
Tỉnh Quảng Bình hiện có trên 5.000 tàu đánh bắt hải sản các loại cùng hàng trăm cơ sở kinh doanh, chế biến thủy hải sản, trong đó có 55 công ty, doanh nghiệp, HTX do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản quản lý. Các cơ sở kinh doanh, chế biến thủy sản tập trung nhiều ở huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và TP Đồng Hới.
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn hiện có 10 HTX; 125 tổ hợp tác khai thác thuỷ sản trên biển với hơn 200 tàu, thuyền.
“Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền về việc đảm bảo an toàn trật tự, an toàn hàng hải và vùng chủ quyền biển đảo mà tàu thuyền của địa phương được phép khai thác. Bên cạnh đó, các sở, ngành cũng tích cực mở các lớp hướng dẫn, tập huấn về điều khiển tàu thuyền đảm bảo an toàn, phương pháp neo đậu, tránh trú bão, qua đó hạn chế thấp nhất những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra", ông Thởi nói.
Có thể thấy, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, sự chủ động của các HTX và nhất là ý thức của thành viên, người lao động đã và đang góp phần đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh, giúp các HTX, tổ hợp tác đánh bắt thuỷ hải sản ở tỉnh Quảng Bình ngày một phát triển bền vững.
Phạm Duy