Nhờ làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với thế mạnh của địa phương mà giờ đây huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã xây dựng được những vùng sản xuất hàng hóa rộng lớn, tập trung.
Sau đào tạo nghề là phát triển mạnh sản xuất
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc HTX chăn nuôi trồng trọt dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh (Tân Khánh, Phú Bình, Thái Nguyên) là 1 trong số 30 học viên được tham gia lớp học nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gà. Ông Tuyên cho biết, năm 2017 HTX được Hội Nông dân huyện Phú Bình và xã Tân Khánh tạo điều kiện dạy nghề cho nông dân, trong đó có những thành viên nòng cốt của HTX.
HTX Đông Thịnh phát triển mạnh sau khi nhiều thành viên được tham gia học nghề. |
Sau khi học nghề, các hội viên đã ứng dụng được những kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi, chăm sóc, ấp trứng và phòng trị bệnh cho gà.
Ông Tuyên cho biết: “Giờ đây, việc chăn nuôi được các thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tất cả những con gà đồi của HTX đều được ghi chép lịch trình chăm sóc, cho ăn uống, tiêm thuốc...”.
Thêm vào đó, nhờ các hộ nuôi biết kết hợp giữa kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến và kinh nghiệm nuôi trồng truyền thống mà sản phẩm gà ở HTX Đông Thịnh cho năng suất và chất lượng sản phẩm ngon hơn hẳn những sản phẩm gà cùng loại ở các vùng khác.
Hiện nay, HTX đã ổn định sản xuất với hơn 10 hội viên nông dân là thành viên. HTX còn chủ động sản xuất, tạo nên một dây chuyền khép kín từ sản xuất con giống – nuôi gà thịt – cung cấp thịt gà tươi. Các sản phẩm gà đồi của HTX gà Đông Thịnh đã xuất bán đi nhiều tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa...
Không chạy theo số lượng
Từ câu chuyện thành công của HTX Đông Thịnh, ông Nguyễn Văn Nguyên, Giáo viên Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ, năm 2017 Trung tâm đã phối hợp Hội Nông dân huyện Phú Bình tổ chức dạy nghề nuôi và phòng bệnh cho gà cho 30 nông dân ở xã Tân Khánh và vùng lân cận, trong đó có 20 thành viên của HTX Gà Đông Thịnh.
Gần đây nhất, từ tháng 7-9/2019, trung tâm cũng đã phối hợp các cấp hội nông dân tổ chức một lớp dạy nghề chăn nuôi gà cho nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình. Nội dung đào tạo là kỹ thuật chăn nuôi theo chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ, dùng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi...
Mỗi năm Thái Nguyên đào tạo nghề cho 4.000 lao động. |
Có thể thấy, việc đào tạo nghề gắn với phát triển mô hình sản xuất đã cho thấy rõ hiệu quả của các chương trình đào tạo nghề. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Đề án 1965 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong thời gian qua tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó, lĩnh vực phi nông nghiệp đào tạo cho 20.568 người, chiếm hơn 76%; lĩnh vực nông nghiệp đào tạo cho 6.247 người, chiếm 23,5%.
Trong khi đó, lúc đầu, khi bắt đầu thực hiện Đề án 1956, tỉnh đặt ra kế hoạch đào tạo nghề cho 80.000 người trong 10 năm, mỗi năm đào tạo 8.000 người. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn, nên chỉ đào tạo được một nửa là khoảng 4.000 người/năm.
Ông Nguyễn Thế Hùng, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên, cho rằng mỗi năm, Thái Nguyên chỉ đào tạo nghề cho 4.000 lao động, giảm một nửa so với kế hoạch nhưng điều này phù hợp với định hướng mới của tỉnh về dạy nghề cho lao động nông thôn.
Ông Hùng nhấn mạnh: Tỉnh quán triệt mục tiêu không chạy theo số lượng, phải đảm bảo chất lượng, chỉ đào tạo khi giải quyết được đầu ra.
Trong năm 2020, tỉnh Thái Nguyên dự kiến tuyển sinh và đào tạo nghề cho 4.000 lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp là 2.800 người, đào tạo nghề nông nghiệp là 1.200 người. Dự kiến hết tháng 6, tỉnh sẽ tuyển sinh và đào tạo nghề cho 1.082 lao động, đạt hơn 27% so với kế hoạch.
Thy Lê