Nông dân học nghề... phi nông nghiệp
Chị Nguyễn Thị Hiền - một trong 25 học viên của lớp may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bảng mở, cho biết trước đây chị chỉ làm nông nghiệp nên cuộc sống khó khăn. Nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương mà chị và các lao động khác được dạy nghề, tạo việc làm cho thu nhập ổn định.
Chú trọng mở các lớp dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động. |
“Sau khi tốt nghiệp khóa học nghề may, tôi được giới thiệu vào làm nghề cho một công ty may của Hàn Quốc đầu tư trên địa bàn. Hiện giờ, với thu nhập trung bình mỗi tháng 4 - 5 triệu đồng, tôi đủ chi phí lo cho các con đi học và để dành một ít để tích lũy”, chị Hiền chia sẻ.
Ngoài lớp nghề nông nghiệp công nghệ cao, nghề phi nông nghiệp như thêu ren, may công nghiệp, hoặc dạy nghề sữa chữa xe máy… cũng được chú trọng lựa chọn để mở các lớp đào tạo và được lao động địa phương đón nhận tích cực.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bảng Nguyễn Văn Cường cho biết, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam Đặng Xuân Hải, trên địa bàn tỉnh hiện có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua.
Kết quả, năm 2018, trên cơ sở điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, các đơn vị, địa phương đã tổ chức 150 lớp đào tạo nghề cho 3.725 lao động nông thôn. Trong đó, 58 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho 1.406 lao động, 92 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 2.066 lao động với kinh phí hỗ trợ đào tạo 3,67 tỷ đồng, bao gồm 3,2 tỷ đồng là ngân sách trung ương, còn lại là ngân sách địa phương. Năm 2019, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng đã tuyển sinh và đào tạo cho 3.850 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo lên tới hơn 85%.
Theo mục tiêu của đề án, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Hà Nam sẽ đào tạo nghề cho 32.000 lao động nông thôn, trong đó 6.500 người sẽ được đào tạo nghề nông nghiệp, 25.500 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Trong năm 2020 này, toàn tỉnh dự kiến sẽ đào tạo, dạy nghề cho khoảng 5.000 học viên.
Chú trọng các đối tượng ưu tiên
“Nhiều năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được tỉnh Hà Nam quan tâm triển khai. Tỉnh sẽ ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi như: người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Xuân Hải nhấn mạnh.
Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là cho lao động trẻ ở Hà Nam ngày càng được quan tâm. |
Trên cơ sở điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, các đơn vị, các địa phương đã tập trung triển khai nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; dạy nghề gắn với các doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới.Căn cứ kế hoạch được UBND tỉnh ban hành và nguồn kinh phí phân bổ thực hiện hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở LĐ-TB&XH đôn đốc, hướng dẫn Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Đồng thời, tổ chức dạy nghề đối với lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nữ, lao động là người khuyết tật.
"Thời gian tới, song song với triển khai dạy nghề nông nghiệp, Sở LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh dạy các ngành nghề dịch vụ phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, từ đó giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh", ông Hải chia sẻ về kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn.
Hà Nam