Khoảng 2 năm trở lại đây, làng nghề làm trầm ở xã Phú Trung (huyện Tân Phú) rất phát triển. Trầm hương ở Phú Trung có chất lượng cao nên đầu ra hút hàng, toàn xã có hơn 30 cơ sở làm trầm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập 200.000 - 250.000 đồng/ngày.
Điểm sáng từ làng nghề
Hiện, một số cơ sở làm trầm ở xã Phú Trung đang đầu tư thêm máy móc làm nhang trầm để vừa gia tăng giá trị cho sản phẩm, vừa thu hút thêm nguồn lao động địa phương.
Sản xuất trầm ở làng nghề xã Phú Trung (huyện Tân Phú, Đồng Nai) |
Đây là vùng cung cấp nguyên liệu trầm hương vào loại hàng đầu tại Việt Nam. Sản phẩm làm ra được bán cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn ở Tp.HCM, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế và các tỉnh phía Bắc. Nhiều doanh nghiệp từ Đài Loan, Trung Quốc cũng đặt mua trầm từ làng nghề này về để sản xuất.
Theo bà Trần Thị Dung - chủ một cơ sở sản xuất trầm tại ấp Phú Lợi, xã Phú Trung, khu vực này là nơi cung cấp nguyên liệu trầm lớn nhất cả nước, mỗi tháng đưa ra thị trường hàng chục tấn trầm.
Để làng nghề làm trầm phát triển hơn nữa, bà Dung cho rằng rất cần hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động địa phương được chuyên nghiệp hơn, cũng như cần sự hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm trầm.
Hoặc như ở huyện Long Thành đang phát triển khá tốt các HTX nông nghiệp trên vùng nguyên liệu, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Tại làng nghề trồng nấm ở xã Bình Sơn và xã Lộc An có trường hợp bà Nguyễn Thị Liên (ngụ xã Bình Sơn) thành lập tổ hợp tác, rồi phát triển thành HTX Nông nghiệp xanh (xã Lộc An).
Sản phẩm của HTX đã có mặt ở hầu hết các vùng miền trên cả nước và từng bước thâm nhập vào thị trường Campuchia. Giai đoạn cao điểm, HTX cung cấp cho thị trường 300kg nấm rơm tươi/ngày, 6 - 7 tấn nấm rơm giống/tháng.
Theo chia sẻ của Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Nguyễn Thị Liên, lúc khởi đầu, cả xã có vài hộ trồng nấm rơm nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu trồng dưới tán cây ăn quả, năng suất không ổn định. Khi bà Liên đi vận động người dân trồng nấm trong nhà kín thì không ai mặn mà bởi trước giờ họ chưa trồng nấm trong nhà, chi phí đầu tư lớn, giá nấm thất thường và chưa có đầu ra...
“Mô hình này có ưu điểm là tiết kiệm diện tích đất, tận dụng được phế thải của ngành nông nghiệp. Giá thể sau khi trồng nấm có thể xử lý làm phân bón cho các loại cây trồng hoặc trồng rau”, bà Liên cho hay.
Đào tạo nghề kết hợp phát triển vùng nguyên liệu
Thấy mô hình của bà Liên cho thu nhập cao, các hộ nông dân xã Lộc An, Bình Sơn tự đến học tập và làm theo. Hiện tại, sản phẩm nấm rơm của HTX Nông nghiệp xanh đang được tiêu thụ tại 2 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch (hơn 10 điểm bán) ở Tp.HCM, 1 doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm sạch vào trường học ở Đồng Nai và xuất bán sang Campuchia. Không chỉ bán nấm tươi, HTX còn cung cấp giống cho các trang trại nấm rơm trong cả nước với số lượng 6 - 7 tấn/tháng.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và đời sống cho người nông dân, địa phương có thể thực hiện một số mô hình như: Đào tạo nghề, tổ chức việc làm để xây dựng làng nghề mới. Hoặc đào tạo nghề, tổ chức việc làm kết hợp phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương.
Đây là mô hình được áp dụng đối với các nghề đào tạo gắn với nguyên liệu địa phương, giao cho đơn vị có khả năng tổ chức, xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức đào tạo và bao tiêu sản phẩm. Học viên là lao động trong vùng quy hoạch trồng nguyên liệu…
Đồng Nai đang hướng tới đào tạo nghề, tổ chức việc làm cho lao động nông thôn kết hợp phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương |
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mô hình này, điều quan trọng là cần có sự kết hợp giữa chính quyền địa phương với cơ quan nhà nước có chức năng điều phối thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà trực tiếp là Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, cùng các cơ sở nhận nhiệm vụ đào tạo nghề là Trung tâm dạy nghề huyện, doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu hoặc nhận tiêu thụ sản phẩm…
Hồi năm ngoái, trong hoạt động đào nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Đồng Nai tuyển mới đào tạo cho 155 học viên dân tộc thiểu số thuộc đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tuyển mới đào tạo nghề cho 2.752 lao động nông thôn. Trong đó có 897 người học nghề phi nông nghiệp, chiếm 32,59% và 1.855 người học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 67,41%. Số người đã tốt nghiệp là 2.235, giải quyết việc làm cho 1.886 người, chiếm 84,38%.
Thanh Loan