Nhiều năm trước, huyện Vị Xuyên là địa phương cung cấp một lượng rau đáng kể cho các chợ của TP Hà Giang và các huyện lân cận. Tuy nhiên, phương thức canh tác đơn thuần theo hướng mỗi nhà làm một cách nên hiệu quả không cao, chưa tạo được vùng chuyên canh rau hàng hóa.
Sau học nghề, nông dân thành lập HTX phát triển sản xuất
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, ngoài lựa chọn các cây, con có thế mạnh để phát triển, một mô hình mới đã được thử nghiệm trong thời gian qua với những kết quả khả quan đã được cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên lựa chọn là mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn.
Các lớp dạy nghề nông nghiệp thường xuyên được tổ chức. |
Được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhiều hộ nông dân Vị Xuyên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nông Văn Học, Giám đốc HTX Học Lập cho biết, sau khi được huyện Vị Xuyên hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo chuyên môn, năm 2016, anh cùng một số thành viên thành lập HTX, gieo trồng, ươm giống các loại rau quả chất lượng cao.
“Chúng tôi được hướng dẫn trồng rau an toàn từ việc lựa chọn cây giống, phân bón, nguồn nước tưới, thời gian gieo trồng… đều phải phù hợp theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX trồng các loại hoa quả có giá trị kinh tế cao như: Dưa chuột, cà chua, dưa lưới xanh, dưa Kim cô nương… trong nhà lưới đạt hiệu quả cao", anh Học chia sẻ.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, cho biết ngoài việc hỗ trợ về xây dựng nhà lưới, chuyển giao kỹ thuật qua công tác đào tạo nghề sản xuất nông nghiệp an toàn, huyện đang tích cực giúp các hộ nông dân được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, tạo điều kiện hơn nữa cho người nông dân có khả năng tiếp cận thị trường xây dựng các chuỗi liên kết để ổn định đầu ra cho sản phẩm, phát triển các mô hình nông nghiệp một cách bền vững.
Đa dạng ngành nghề đào tạo
Có thể nói, trong những năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Vị Xuyên ngày càng được quan tâm phát triển, chất lượng dạy nghề ngày càng được nâng lên, nhiều loại hình đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng được phát triển.
Tăng cường mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp. |
Đặc biệt, huyện Vị Xuyên cũng xác định nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề và đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn là nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nhằm nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, đáp ứng tiêu chí về nâng cao thu nhập của người nông dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên cũng đã đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp như mở các lớp tập huấn về kỹ thuật gieo trồng các loại cây lương thực, thực phẩm, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cam quýt, kỹ thuật chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm chủ yếu trên địa bàn. Nhờ đó đã giúp người nông dân nâng cao thu nhập từ chính trên đồng ruộng và chuồng trại chăn nuôi của gia đình mình.
Ông Phạm Đức Thụ, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên cho biết, Trung tâm luôn đổi mới phương pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đó cũng chính là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của huyện về trước mắt cũng như lâu dài.
Ngoài dạy nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm Dạy nghề Vị Xuyên còn tăng cường mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp như kỹ thuật xây dựng, gò hàn, sửa chữa xe máy, điện dân dụng… Các mô hình dạy nghề của huyện đã đáp ứng được một phần nhu cầu học các nghề phi nông nghiệp của lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động vùng nông thôn và xuất khẩu lao động.
Theo Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên, tính đến cuối năm 2019, đa số các học viên nông dân sau khi tốt nghiệp các nghề phi nông nghiệp đã tự tìm được việc làm tại các cơ sở của các doanh nghiệp trên địa bàn của huyện hoặc tự tạo việc làm tại chỗ. Nhiều nông dân sau khi được học nghề đã tự đi học thêm kiến thức nhằm nâng cao tay nghề, mạnh dạn vay vốn đầu tư cơ sở sản xuất mang lại nguồn thu nhập cao cho bản thân và tạo việc làm cho các lao động khác.
Thy Lê