Hiệu quả liên kết giữa địa phương, doanh nghiệp, HTX và cơ quan đào tạo nghề trên địa bàn huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) đang trở thành chìa khóa mở cánh cửa thành công trong công tác dạy nghề, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn thời gian qua.
Hiệu quả tăng nhờ liên kết
Nhờ thực hiện tốt việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, huyện Thới Lai đã xây dựng thành công nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động bền vững, vừa đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, vừa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và ứng dụng thực tế tại địa phương.
Điển hình như mô hình đan cần xé của HTX Quốc Noãn (xã Trường Thắng). Năm 2013, HTX Quốc Noãn thành lập và đi vào hoạt động với 22 thành viên, chuyên sản xuất, gia công thủ công mỹ nghệ; sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ tre, nứa, lục bình, dây nhựa.
Để nâng chất lượng nguồn lao động, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai liên kết với Trường Trung cấp Nghề Thới Lai tổ chức 2 lớp nghề đan cần xé và giỏ hoa cho 70 lao động, cơ bản đáp ứng nguồn nhân công để gia công giỏ hoa các loại theo nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết: “Nhờ các giải pháp đồng bộ, quy mô của HTX ngày càng lớn. Không chỉ giải quyết việc làm cho thành viên, người lao động thường xuyên, HTX đã và đang tổ chức dạy nghề cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương”.
Liên kết 4 nhà tăng hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Ảnh: Linh Ngọc). |
Tương tự, tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đang tích cực triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt là triển khai hiệu quả mô hình liên kết “4 nhà” trong công tác dạy nghề và phát triển ngành nghề nông thôn đã tạo ra các sản phẩm có giá trị và cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2018, chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Hải Đường, huyện Hải Hậu được tham gia lớp học nghề may công nghiệp, thời gian học 6 tháng. Sau khi hoàn thành khóa học, chị Hồng được giới thiệu và nhận vào làm công nhân tại công ty cổ phần May Haprosimex Giao Thủy với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/tháng.
Chị Hồng cho biết, khi chưa được học nghề may, bản thân chị và gia đình nghĩ chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng, thu nhập cả năm cũng chỉ được 20 – 30 triệu đồng.
“Khi được huyện tạo điều kiện cho đi học nghề tại Trung tâm dạy nghề huyện, đồng thời giới thiệu việc làm nên gia đình tôi rất phấn khởi. Với việc làm và thu nhập hiện tại, bản thân tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều so với làm lao động thuần nông như trước”, chị Hồng chia sẻ.
Liên kết giúp đào tạo đúng hướng
Theo tìm hiểu, để việc triển khai các chương trình học có hiệu quả, người dân hăng hái tham gia học nghề, ngay từ khi bắt đầu triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện Hải Hậu đã khảo sát nhu cầu học nghề của người dân.
Kết quả cho thấy người lao động ở các xã ven biển muốn học nghề dệt lưới; dân ở các xã vùng nội đồng muốn học dệt cói xuất khẩu, móc sợi, trồng nấm, nghề mộc... Riêng nghề may, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có lao động có nhu cầu học.
Những năm qua, các đơn vị khuyến nông Tp.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đang đẩy mạnh liên kết “4 nhà” nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sau gần 9 năm triển khai, hiệu quả của liên kết “4 nhà” gồm nông dân - cơ quan nhà nước - nhà khoa học (chuyên gia) – doanh nghiệp và HTX, đang giúp công tác đào tạo nghề nông nghiệp của Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt gặt hái nhiều thành công, với 100% nông dân được đào tạo có nghề.
Nổi bật trong công tác đào tạo nghề tại Lâm Đồng là HTX Khải Hoàn hiện đang là điểm tựa của 45 hộ thành viên, sản xuất trên diện tích hơn 100 ha cà phê theo chuẩn VietGAP. Vào HTX, thành viên, người lao động HTX được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, cách ghi chép nhật ký nông hộ, hạch toán thu chi…
“Việc hình thành liên kết “4 nhà” là chìa khóa để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề. Trong chuỗi liên kết, HTX là đơn vị cầu nối giữa nhà nông, Nhà nước và nhà khoa học, vừa tham gia đào tạo, vừa là đơn vị tiếp nhận nguồn lao động sau quá trình học tập”, Giám đốc HTX Khải Hoàn, ông Lưu Trọng Nghĩa, nhấn mạnh.
Từ các trường hợp thực tế cho thấy, liên kết “4 nhà” là chìa khóa nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trước đây, các trường nghề hoặc địa phương tổ chức đào tạo nghề thường theo truyền thống, đặc điểm từng địa phương, vì vậy trường hợp đào tạo không theo nhu cầu thị trường, học viên tốt nghiệp không tìm được việc làm diễn ra phổ biến.
Đến nay, trong liên kết “4 nhà”, việc các HTX, doanh nghiệp trực tiếp tham gia, phối hợp trong công tác đào tạo giúp việc dạy nghề đi đúng hướng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong đó HTX và doanh nghiệp chính là các đơn vị chủ lực tiếp nhận lao động sau khi tốt nghiệp trường nghề hay các khóa đào tạo nghề.
Sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp cũng tạo môi trường thuận lợi để người lao động có thêm nơi để thực tập, nâng cao kỹ năng, từ đó tự tin tham gia các công việc sau khi ra trường, nhiều trường hợp tự tin khởi nghiệp nhờ có kỹ năng, kiến thức tốt. Điều này cho thấy, các địa phương cần chính sách ưu đãi thiết thực hơn để khuyến khích các HTX, doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề.
Lệ Chi