Hậu Giang là một trong những địa phương điển hình trong việc hình thành mạng lưới liên kết giữa HTX và doanh nghiệp để nâng cao trình độ cho nông dân, người lao động. Nổi bật có thể kể đến cái “bắt tay” giữa HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng (xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh), CTCP Phân bón Cò Bay và Công ty xăng dầu Nguyên Lộc (Cần Thơ).
Liên kết để mạnh hơn
Ông Vu Suổi, Giám đốc HTX Thạnh Thắng, cho hay trong hơn 3 năm qua, khối liên kết của HTX và các doanh nghiệp đối tác đã góp phần mở ra một hướng đi mới, tạo nên một cuộc cách mạng trong tư duy của hàng trăm hộ dân địa phương.
Được triển khai từ năm 2017, mối liên kết trên chú trọng vào khâu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện để mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho người dân phát triển mô hình trồng dứa.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được doanh nghiệp hỗ trợ mua phân bón trả chậm, tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn khoa học – kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp năng suất chất lượng sản phẩm tăng lên đáng kể.
Nhờ sản xuất khoa học, HTX liên tục mở rộng diện tích trồng dứa. Hiện, HTX đang có trên 50ha dứa VietGAP, sản phẩm của HTX đã được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị BigC, C.oop Mart Hậu Giang và được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường Tp.HCM, Hà Nội…
“Sự đồng hành của công ty với HTX nhằm giúp người nông dân có đủ phương tiện sản xuất, tiếp cận với các loại phân bón chất lượng, sản xuất ra nông sản sạch, giảm chi phí và tăng lợi nhuận”, lãnh đạo Công ty xăng dầu Nguyên Lộc chia sẻ.
Có kỹ năng nghề tốt, nông dân tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương (Ảnh: BSL) |
Không chỉ là những liên kết đơn lẻ, thời gian qua, nằm trong chuỗi chương trình hưởng ứng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, các mô hình liên kết sản xuất, dạy nghề giữa HTX, doanh nghiệp tại Hậu Giang đang góp phần nâng cao vị thế của người lao động nông thôn.
Những đóng góp của HTX, doanh nghiệp trong đào tạo nghề đang giúp Hậu Giang gặt hái những kết quả tích cực trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 10.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên xấp xỉ 60%.
Tương tự như ở Hậu Giang, những năm qua, phong trào dạy nghề, trong đó nổi bật là nghề tiểu thủ công, mỹ nghệ, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long liên tục được đẩy mạnh, mở rộng quy mô, mang lại kết quả rất tích cực.
Thực tế cho thấy, sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các lao động nông thôn ở Vĩnh Long đã phát huy được tay nghề ngay tại địa phương hoặc làm việc tại một số HTX, doanh nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững.
Thúc đẩy liên kết trong dạy nghề
Chị Nguyễn Thị Trang ở xã Long An (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, gia đình chị trước đây chủ yếu trông chờ vào thu nhập từ nghề phụ hồ của chồng. Sau khi được đào tạo nghề thủ công do huyện tổ chức, chị đã có việc làm, có thu nhập thường xuyên. Từ đó, gia đình chị đã từng bước vượt qua khó khăn.
Tương tự, bà Nguyễn Bích cho biết sau thời gian dài chỉ trông vào mấy sào ruộng, đời sống rất khó khăn, kinh tế gia đình đã có bước chuyển biến lớn khi bà tham gia học nghề, mỗi ngày đan được 10 - 15 tấm thảm, thu nhập bình quân hàng tháng đạt 3 - 4 triệu đồng.
Với đặc trưng không đòi hỏi quá nhiều về học vấn, sức khỏe, độ tuổi, thời gian nên các lớp học nghề thủ công mỹ nghệ được tổ chức ở xã Long An như đan thảm lục bình, đan giỏ... là những nghề thu hút khá nhiều lao động nông thôn tham gia trong những năm qua.
Theo đại diện UBND xã Long An, trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, xã sẽ tiếp tục xúc tiến công tác đào tạo nghề, khuyến khích người lao động sau học nghề tham gia, thành lập các HTX, tổ hợp tác.
Từ những địa phương điển hình cho thấy sự liên kết giữa HTX, doanh nghiệp, cùng các chính sách hỗ trợ, đồng hành của địa phương chính là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao hiệu quả của các chương trình đào tạo nghề.
Thúc đẩy liên kết trong công tác đào tạo nghề cũng sẽ là điểm tựa quan trọng để các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, gia tăng mức sống cho người dân tại mỗi địa phương.
Theo chuyên gia, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh hình thành, nhân rộng mô hình liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để mở rộng liên kết giữa các trường nghề và doanh nghiệp, HTX, từ đó hướng tới các nghề phi nông nghiệp như quản trị mạng máy tính, kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, may thời trang, thú y, cơ khí…
Hải Tú