Từ thực tiễn cho thấy, đào tạo nghề chính là một trong những “mắt xích” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua nhiều địa phương đã đẩy mạnh liên kết với các trường nghề để đào tạo nghề theo nhu cầu của HTX, doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiệu quả đào tạo nghề theo đơn
Đơn cử, thời gian qua, cơ quan chức năng thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) luôn quan tâm chỉ đạo, bám sát địa bàn, xây dựng các chương trình đào tạo nghề sát với tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu của người dân, HTX và doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy, trong 10 năm qua, thị xã Đông Triều đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Đông Bắc, Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX và Đầu tư, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Xây dựng Đông Triều tổ chức gần 200 lớp đào tạo nghề với tổng số hơn 4.000 lượt học viên.
Các lớp dạy nghề tập trung vào những nghề mà các HTX trên địa bàn rất cần như trồng na, trồng dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, nghề đan lưới, trồng nấm.... Theo đó, sau khi được đào tạo, người lao động nhanh chóng có việc làm, phát huy hiệu quả tại HTX chủ quản.
Ông Nguyễn Văn Được (thôn Tân Thành, xã Việt Dân, thị xã Đông Triều) là một trong những nông dân được lựa chọn tham gia các lớp tập huấn trồng na VietGAP mà HTX na dai Đông Triều kết hợp với các cấp ngành tổ chức.
Theo ông Được, qua lớp dạy nghề, ông áp dụng được nhiều kiến thức về cách chọn cây giống, quy trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây. Nhờ đó, thời gian cây na cho quả được rút ngắn, giá trị kinh tế đem lại cao gấp 2 lần trước đây. Hiện nay, trung bình mỗi vụ, gia đình ông thu về từ 150 - 200 triệu đồng từ trồng na VietGAP.
Các HTX, doanh nghiệp vẫn đang "khát" lao động trình độ cao, được đào tạo bài bản. |
Không chỉ các địa phương, các trường nghề cũng đang đẩy mạnh công tác dạy nghề theo đơn đặt hàng của HTX và doanh nghiệp. Điển hình như Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam (Hà Nội) những năm qua đã chủ động thiết lập mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, HTX, các đối tác… để đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Tập đoàn Samsung, Công ty Sao Thái Dương, Bệnh viện E… đã bắt tay với nhà trường, hỗ trợ nhà trường trong đào tạo và nhận sinh viên thực tập, làm việc sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy mà sau mỗi khóa đào tạo, 90% người học từ Trường Cao Đẳng Công Thương Việt Nam đều có ngay việc làm.
Thay đổi là tất yếu
Ông Lê Đại Hùng, Chủ tịch HĐQT Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, cho biết truyền thống giáo dục Việt Nam vẫn là học trước rồi làm sau, là thầy dạy trò nghe, học sách giáo khoa là chính, học lý thuyết nhiều thực hành ít, dẫn tới, sinh viên ra trường nhưng kỹ năng làm việc thực tế kém.
Tuy nhiên, khi bắt tay với HTX, doanh nghiệp việc học lý thuyết với thực hành nghề tại trường diễn ra song song. Đặc biệt, các HTX, doanh nghiệp liên kết sẽ tạo thuận lợi cho người học thực hành nên kỹ năng, tay nghề được nâng cao.
“Nhà trường sẽ không phải đầu tư quá nhiều thiết bị cơ sở vật chất như nhà xưởng, phòng học, công nghệ vì có HTX, doanh nghiệp hỗ trợ và họ luôn luôn đổi mới công nghệ để phát triển. Do đó khi kết hợp với doanh nghiệp, HTX, hai bên sẽ cùng chia sẻ công nghệ cho nhau”, ông Hùng chia sẻ.
Đáng chú ý, khi đào tạo nghề theo nhu cầu thực tiễn, phía HTX, doanh nghiệp sẽ luôn sẵn sàng tiếp nhận những học viên đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ năng, kiến thức chuyên môn, cũng như ý thức tổ chức kỷ luật lao động... vào làm việc chính thức, qua đó đảm bảo tỷ lệ có việc làm đúng ngành của học viên sau khi ra trường.
Rõ ràng, việc liên kết giữa nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, địa phương với các HTX, doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao trong công tác lao động việc làm. Đây là hướng đi phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động hiện nay. Đồng thời cũng là một tất yếu khách quan trong xu thế hội nhập khi giải quyết được tình trạng mất cân đối cơ cấu lao động cũng như thiếu hụt lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề.
Dù đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo địa chỉ, đáp ứng yêu cầu của HTX, doanh nghiệp, theo các chuyên gia, các trường, cơ sở giáo dục cần thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp, HTX đến trường chia sẻ nghề nghiệp; kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa ở các doanh nghiệp liên kết.
Đi liền với việc đặt hàng của các HTX, doanh nghiệp, thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng các chương trình đào tạo cho lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng để đáp ứng yêu cầu hợp tác.
Để làm được điều này, các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nắm bắt được xu hướng dự báo về các ngành nghề “khát” nguồn nhân lực, nghề chất lượng tại các doanh nghiệp để có kế hoạch hợp tác hiệu quả. Theo dự báo, các ngành nghề thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, cơ khí, cơ khí giao thông, điện tử, quản lý dự án, xây dựng công nghiệp, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao… vẫn đang rất cần nguồn lao động chất lượng.
Lệ Chi