Vất vả mưu sinh trên chiếc xe máy mỗi ngày trên đường, nghề xe ôm công nghệ không chỉ bất kể nắng mưa, giờ giấc mà còn “quay cuồng” với sự thất thường của giá xăng. Trong những ngày qua, tâm trạng của các tài xế công nghệ liên tục trải qua nỗi lo lắng theo sự biến động của giá xăng dầu khi thiết lập kỉ lục giá mới.
Khi tài xế không dám nhận đơn
Trong kỳ điều chỉnh chiều ngày 11/3, giá xăng E5RON92 tăng thêm 2.910 đồng/lít, lên mức 28.980 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 2.990 đồng/lít, lên mức 29.820 đồng/lít; dầu diesel tăng thêm 3.940 đồng/lít lên mức 25.260. Như vậy, từ đầu năm 2022, lần tăng giá mạnh nhất này của xăng dầu đã tác động tiêu cực tới nhiều ngành nghề, đặc biệt là nghề xe ôm phải sử dụng phương tiện xe máy di chuyển liên tục. Nhu cầu đi lại của người dân hạn chế vì dịch bệnh, doanh nghiệp vận tải chưa có biện pháp tăng phí hoặc điều chỉnh cước phí cố gắng đảm bảo quyền lợi khách hàng tối đa, xăng tăng nhưng các hãng vẫn giữ nguyên chiết khấu... thiệt hại về thu nhập khiến lái xe không còn “mặn mà” với nghề.
Nghề xe ôm công nghệ lao đao trước “cơn bão giá” xăng dầu. |
“Tôi làm nghề chạy xe ôm được 9 năm ở Hà Nội, chưa bao giờ thấy khó làm ăn như lúc này, cả năm trước gần như không có thu nhập, đầu tháng 2 xe ôm công nghệ được chạy trở lại thì vội vàng lặn lội lên thành phố để khởi động công việc. Tôi chạy cả cho app và chạy khách quen bên ngoài kết hợp, ngày nào ổn thì kiếm được 250.000 đồng – 400.000 đồng, vậy mà xăng tăng giá cao thế này, ít chuyến hẳn, chăm chỉ cũng chỉ may ra đủ tiền nhà trọ, ăn uống hàng ngày, không có dư dả gửi về quê”, ông Nguyễn Văn Yên (62 tuổi, quê ở Nam Định) chia sẻ.
Cố gắng bám trụ lại với nghề, các tài xế buộc phải nghĩ ra nhiều cách để cố gắng thích nghi thời điểm khó khăn chung. Anh Mai Văn Khoa (46 tuổi, Hà Nam) cho biết: “Tôi mở app nhận đơn từ 7h sáng, với các chuyến xa mà không có chuyến quay đầu buộc phải hủy đơn, vì không bõ tiền xăng xe chạy ngược về. Các anh em tài xế cũng hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ khi tiện tuyến đường ship hàng, chở khách, cố gắng giờ cao điểm nhận chạy vận chuyển đồ ăn cho khách, cước thấp chút nhưng ghép đơn lại chạy theo khu vực, cũng còn hơn không có việc làm”. Theo anh Khoa, các nhóm zalo, facebook của hội anh em chạy xe kết nối liên tục, tạo điều kiện để mọi người có thêm việc làm, vẫn đáp ứng tốt yêu cầu của khách và giảm thiểu chi phí đi lại.
Hiện tại, các tài xế công nghệ cũng tích cực mở rộng khung giờ chạy xe đón khách, vận chuyển hàng; chọn lọc chuyến trong phạm vi khu vực gần và chờ tập trung tại các khu đông khách tại các trường học, khu chợ, bệnh viện; dùng các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu; thậm chí tắt app để yêu cầu hãng hỗ trợ cước... Tuy nhiên, giá xăng dầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, “cú sốc” tăng giá khiến nhiều tài xế muốn chuyển nghề để có thu nhập tốt hơn trang trải cuộc sống.
Nỗ lực vượt cơn biến động từ “nhà xe”
Giá cước tăng, dịch bệnh bùng phát, thu nhập giảm sút, người dân cũng có những tính toán cân đối chi tiêu, đi lại, do đó lượng khách hàng của các app gọi xe, giao hàng, đặt thức ăn, đặt đồ mua sắm... cũng giảm sút rất nhiều.
Chị Nguyễn Ngọc (34 tuổi, chủ cửa hàng Trang phục biểu diễn Hà Lê) cho biết, cửa hàng của chị thường sử dụng dịch vụ giao hàng cho khách liên tục, gần đây cả chị và khách đều đắn đo khi nhìn giá ship quá cao. “Năm trước giao hàng cố định từ Láng Hạ tới Hoàng Mai thường chỉ hết khoảng 50.000 đồng, giờ lên tới 80.000 đồng, giờ cao điểm còn 105.000 đồng, trong khi hóa đơn thuê trang phục chỉ hết có 75.000 đồng. Vì vậy, khách quyết định qua trực tiếp cửa hàng để lấy đồ cho tiết kiệm”. Chị Ngọc chia sẻ thêm.
Hiện tại, các ứng dụng Grab, Be, Gojek, Baemin là những doanh nghiệp được sử dụng dịch vụ đông đảo ở Việt Nam. Nhằm hỗ trợ khách trong giai đoạn tài chính giảm sút, đồng thời có chính sách động viên các tài xế công nghệ gắn bó với công việc, các hãng này cũng đưa ra một số giải pháp tạm duy trì chất lượng dịch vụ ngay tại thời điểm khó khăn. Ngoài khoản thu chính từ các cuốc xe chạy thực tế, tài xế sẽ được cộng thưởng cuối ngày, có thêm thu nhập.
Hãng Grab thực hiện điều chỉnh tăng giá cước các dịch vụ, qua đó giúp tài xế bù đắp chi phí vận hành và tích cực làm việc hơn. Đồng thời, Grab cũng tung ra nhiều mã giảm giá khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ như: Giảm giá 20%, tối đa 50.000 đồng cho 10 chuyến xe; mỗi cuốc có cước phí tối thiểu 60.000 đồng; kết thúc chuyến xe, người dùng nhận thêm mã ưu đãi 25% cho chuyến tiếp theo, áp dụng với khách tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từ ngày 11/3 đến 31/3.
Đối với xe 2 bánh GrabBike có giá ưu đãi 15.000 đồng cho các chuyến xe có cước phí dưới 30.000 đồng. Khi kết thúc chuyến xe, người dùng sẽ được nhận thêm 1 mã ưu đãi giảm 20% (tối đa 10.000 đồng) cho chuyến xe tiếp theo. Các dịch vụ khác như GrabMart, GrabFood cũng được giảm giá 15.000 - 30.000 đồng/đơn hàng.
ShopeeFood tung ra gói hỗ trợ xăng dầu dành cho các shipper ShopeeFood đủ điều kiện trên toàn quốc. Gói ưu đãi được công bố vào chiều 11/3 và áp dụng đến 31/5, gồm các quyền lợi: hoàn tiền 99% giá trị hóa đơn, tối đa 10.000 đồng /lần thanh toán cho tài xế tại các cửa hàng PVOil khi thanh toán qua Ví điện tử ShopeePay. Mỗi tài xế có thể được sử dụng tối đa 5 lần/tuần/tài xế hoặc tài xế có thể lựa chọn gói hoàn tiền 99% giá trị hóa đơn (tối đa 5.000 đồng/lần thanh toán) và sử dụng tối đa 3 lần/tuần/tài khoản.
Những chương trình hướng tới đối tác tài xế và người dùng của các hãng góp phần cải thiện được phần nào tổn thất mà “cơn bão giá xăng dầu” tạo ra trong suốt thời gian qua. Nghề xe ôm công nghệ có thể vững vàng đi tiếp hay không phụ thuộc lớn vào chính sách ứng biến của từng doanh nghiệp, sự kiểm soát dịch bệnh và diễn biến giá cả nhiên liệu biến động trên thị trường mỗi ngày.
Nguyễn Luận