Chị Nguyễn Thị Mơ (35 tuổi, Thanh Hóa) là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long được 5 năm, hàng tháng nhận mức lương cơ bản là khoảng 5,2 triệu đồng. Sau kì nghỉ Tết, chị Mơ nhanh chóng quay trở lại với công việc với hi vọng sẽ dành dụm được khoản tiền để trang trải việc học hành cho con, chăm lo gia đình.
Mọi thứ đều tăng trừ... lương
Thế nhưng hiện tại chị Mơ và nhiều công nhân ngoại tỉnh khác ở khu nhà trọ của xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (Hà Nội) đang choáng váng vì số lượng F0 trong xưởng tăng nhanh và đứng trước cơn “sốt giá” hàng hóa tiêu dùng tăng chóng mặt. Quá nhiều thứ đắt đỏ phải chi tiêu cho y tế, sinh hoạt hàng ngày, trong khi đó lương tối thiểu lại thấp và hai năm qua vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Người lao động kì vọng chính sách tiền lương và đãi ngộ năm 2022 sẽ sớm có sự điều chỉnh kịp thời. |
“Để có được thu nhập hàng tháng được 7 - 10 triệu, tôi đăng kí làm thêm giờ, tăng ca cật lực, ngày nào cũng 8, 9 giờ tối mới về, phải chắt bóp chi tiêu mới có thể để dành được vài triệu gửi về quê nuôi con. Bây giờ giá cả cái gì cũng đắt đỏ, tôi mong muốn được tăng lương, giảm bớt thời gian làm thêm giờ, có điều kiện thăm nom con cái thường xuyên hơn”, chị Mơ bày tỏ.
Trước tình hình mỗi ngày cả nước có tới cả 100 ngàn ca nhiễm mới, người lao động lo lắng khi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Anh Vũ Thành Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) và vợ bị lây Covid-19 từ phân xưởng nơi làm việc, hai con nhỏ 6 tuổi và 3 tuổi, bà nội lên trông cháu cũng bị lây nhiễm theo.
“Cả tháng lương đều chi gần hết vào 1 đơn thuốc, nguyên test kit cũng rất tốn kém rồi, cao điểm dịch bệnh tôi mua trung bình 75.000đồng/chiếc, mua cho cả nhà đã tiền triệu, chưa kể thuốc hỗ trợ điều trị cho từng người”, anh Nam cho biết. Đợt giãn cách kéo dài, do bị mắc kẹt ở thành phố nên số tiền tiết kiệm của gia đình anh Nam cũng cạn kiệt, công việc gián đoạn, thu nhập thấp, gánh nặng chi tiêu sinh hoạt ngày càng cao.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động đã qua 2 năm chưa được tăng lương tối thiểu, đời sống khó khăn càng thêm chồng chất những khó khăn. Do đó, yêu cầu về tăng lương tối thiểu càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Mức lương tối thiểu của người lao động hiện đang áp dụng đối với vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.
Thực tế, mức lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống người lao động, điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ người lao động nghỉ làm, thay đổi công việc, tìm kiếm khu vực có thu nhập tốt hơn; tranh chấp, đình công; thị trường lao động mất cân đối và nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt nhân lực.
Không để “lỗi hẹn” với sự mong chờ của người lao động
Trong tình hình mới, các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng linh hoạt, triển khai các biện pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, nguồn lao động càng được coi là vốn quí. Giải quyết việc tăng lương cho người lao động được đặt ra càng trở lên cấp thiết.
Biểu đồ thể hiện mức lương tối thiếu vùng áp dụng từ năm 2020 đến nay. |
Dự kiến nhu cầu nhân lực thời gian tới ở TP Hà Nội cần khoảng 26.000 lao động, Bình Dương cần khoảng 90.000 lao động, Long An 51.000 lao động, Hải Phòng trên 50.000 lao động, Tây Ninh 46.000 lao động, Kiên Giang 44.000 lao động, Cà Mau 35.000 lao động, Bắc Ninh 25.000 – 30.000 lao động, Quảng Ninh 24.000 lao động, TP Hồ Chí Minh khoảng 30.000 người...Đầu năm 2022, thị trường lao động đang có sự thiếu hụt nghiêm trọng, trong khi các dự án mở rộng qui mô ở nhiều địa phương có nhu cầu sử dụng lao động với qui mô lớn. Nguồn lực lao động bị suy giảm do số lượng công nhân là F0, F1 phải nghỉ làm tăng cao.
Trong bối cảnh Covid-19, bản thân các doanh nghiệp cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi đầu ra bị thu hẹp, thị trường ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, sự khó khăn của người lao động đang là điều cấp bách cần được hỗ trợ. Bởi, người lao động là người làm ra của cải, vật chất trực tiếp cho xã hội. Trong khó khăn, cả người lao động và người sử dụng lao động cùng san sẻ sẽ giúp doanh nghiệp phát triển.
Trao đổi với VnBusiness, Giám đốc Nhân sự của một Công ty chuyên giao nhận hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ cùng người lao động. Ngay cả khi việc tăng lương tối thiểu chưa thực hiện thì bản thân các doanh nghiệp vẫn xem xét tăng lương cho người lao động. Tuy nhiên, mức tăng này không đồng đều mà phụ thuộc vào năng suất lao động của từng người.
Các chuyên gia khẳng định, trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp cần phải tổ chức lại phương án sản xuất, điều chỉnh chế độ tiền lương động viên người lao động yên tâm cống hiến. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, doanh nghiệp phải coi tăng lương là đầu tư, hãy chia sẻ khó khăn với người lao động, chấp nhận ít lợi nhuận, không lợi nhuận, thậm chí có thể lỗ ngắn hạn vì người lao động, vì người lao động không thể thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện phục vụ nhu cầu tối thiểu của sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Hiện tại, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang đề nghị Chính phủ cần xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng; thúc đẩy công đoàn các cấp hoạt động tích cực, kết nối cùng doanh nghiệp và người lao động xây dựng các chính sách, chế độ đảm bảo quyền lợi người lao động. Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ đẩy nhanh tiến độ đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp là 294.600 căn với tổng mức đầu tư 220.000 tỷ đồng.
Trước khi quyết định tăng mức lương tối thiệu theo vùng còn chưa được bàn thảo cụ thể, nhiều ban ngành và doanh nghiệp đang có những biện pháp hỗ trợ người lao động thiết thực để cùng nhau vượt dịch. Đây chính là "điểm tựa" để thúc đẩy các nhà máy, xí nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất và thực hiện các kế hoạch mở rộng dự án mới.
Nguyễn Luận