Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore... là những thị trường truyền thống tiếp nhận nguồn lớn lao động Việt Nam đã phát tín hiệu trở lại bình thường. Nguồn lao động Việt Nam cũng đã sẵn sàng đáp ứng cho những chuyến bay khẳng định trình độ, tay nghề, kỹ năng tại các quốc gia phát triển vốn có yêu cầu cao này.
Nhiều cơ hội mới cho lao động Việt
Chị Nguyễn Thị Nga (24 tuổi, Hải Phòng) cho biết, chị đã phỏng vấn và học tiếng Nhật từ tháng 5/2020. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên phải chờ tới tận bây giờ mới được sắp xếp để chuẩn bị bay. Vì đầu tư cho chị Nga đi xuất khẩu lao động nên gia đình chuẩn bị hơn 100 triệu và phải vay mượn thêm 200 triệu, hơn 1 năm qua liên tục gián đoạn xuất cảnh vì dịch bệnh. Thấp thỏm chờ quá lâu, chị Nga tìm công việc làm tạm thời với thu nhập bấp bênh, khoản nợ tăng thêm khiến gia đình gặp nhiều áp lực.
“Mình đã được tiêm 3 mũi vắc-xin, mong rằng khi sang Nhật sẽ được sớm làm việc, có thu nhập để hỗ trợ gia đình”, chị Nga phấn khởi vì thuộc số lao động được Đại sứ quán Nhật bản chấp thuận xuất cảnh trong tháng 3/2022. Hợp đồng của chị với doanh nghiệp chế biến thủy sản, kéo dài 3 năm tại Hokkaido, Nhật Bản.
![]() |
Đào tạo điều dưỡng để cung cấp cho thị trường Nhật Bản. |
Một danh sách 50 lao động của một doanh nghiệp khác cũng vừa được Đại sứ quán Nhật Bản bản chấp thuận xuất cảnh. Đây là các lao động tiêm đủ 3 mũi, có tay nghề, được bồi dưỡng kiến thức và ngôn ngữ đúng theo hợp đồng với đối tác. Chỉ vài hôm nữa, toàn bộ số học viên sẽ lên đường. Mọi thủ tục đã hoàn tất, nhiều lao động hoàn toàn yên tâm.
"Trong tháng 3 này, chúng tôi sẽ làm thủ tục cho hơn 100 em xuất cảnh. Con số này sẽ tăng lên gấp 2 và khoảng hơn 300 em sẽ xuất cảnh trong tháng 4. Tháng 5, 6, chúng tôi sẽ giải quyết nốt số còn lại", ông Nguyễn Thành Kính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên minh tiến bộ EK, cho biết.
Thực tế, trong suốt thời gian thị trường xuất khẩu lao động “đứt gãy”, các doanh nghiệp liên tục nghe ngóng diễn biến tình hình dịch và phía doanh nghiệp đối tác để xây dựng kế hoạch hoạt động cầm chừng. Tập trung vào công tác đào tạo học viên chờ bay, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tiêm vắc-xin mũi ba, liên tục bổ trợ kiến thức và ngoại ngữ cho cho người lao động... là biện pháp mà các doanh nghiệp chú trọng.
Do chờ đợi quá lâu, nhiều lao động đã chấp nhận phá hợp đồng, mất phí đào tạo nghiệp vụ và ngoại ngữ. Trong khi đó, phía doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng lớn về nguồn thu, tiến độ hợp đồng với đối tác, nhân sự thay đổi liên tục.
Trao đổi với VnBusiness, ông Phạm Văn Thành – đại diện phía Nam của Nhật Thành HR, Công ty Cổ phần Tập đoàn An Dương cho biết, “Hiện tại chúng tôi đang theo sát hướng dẫn của Cục Quản lý lao động ngoài nước để khẩn trương hoàn thành hồ sơ đủ điều kiện cho các ứng viên tồn lại trong thời gian dịch bệnh. Cố gắng giải quyết sớm nhất các trường hợp lao động qua đào tạo chờ xuất cảnh, hiện các nước cũng bắt đầu phục hồi trở lại sau Covid-19, nhu cầu lao động chưa tăng nhiều”.
Hiện 80.000 lao động trong nước đã có đầu ra xuất cảnh trong 6 tháng tiếp theo, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, hiện có rất nhiều người lao động đã hoàn thành các thủ tục, điều kiện, đang chờ bay. Các nước cũng có chính sách nới lỏng kiểm soát phòng dịch bệnh Covid-19, công tác chuẩn bị xuất cảnh cho người lao động đang được nhanh chóng thực hiện.
Hướng tới những thị trường có thu nhập cao
Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định (năm 2021 là 45.058 lao động, đạt 50,06% kế hoạch được giao). Sau thời gian dài trì hoãn, thị trường lao động xuất khẩu đang dần được “phá băng”, hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác quan trọng sắp tới.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, về cơ bản các hoạt động tiếp nhận lao động từ 3 thị trường lớn của Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã trở lại bình thường với nhiều hợp đồng lớn từ nay đến cuối năm.
Từ tháng 3/2022, Chính phủ Nhật Bản chính thức công bố sẽ nới lỏng hạn chế nhập cảnh, theo đó, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố kế hoạch tuyển khoảng 50.000 lao động có tay nghề cao từ các nước Đông Nam Á.
Phía Đài Loan cũng thông báo việc tiếp nhận lao động nước ngoài giai đoạn 2 kể từ ngày 15/2/2022, người lao động nhập cảnh sẽ được chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm Covid-19 với mức bồi thường bảo hiểm là 500.000 Đài tệ.
Năm 2021, Nhật Bản và Đài Loan chiếm 87% tổng số lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc. Hiện tại, các doanh nghiệp cung ứng nhân lực cũng đang tập trung cho hai thị trường lớn này.
Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố tăng cường nỗ lực thu hút nhiều công dân nước ngoài có trình độ học vấn cao từ năm 2022. Ngoài ra, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc quyết định chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình EPS ở mức 59.000 người.
Ngoài ra, Bộ Nhân lực Singapore thông báo kế hoạch đến T8/2022, thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Singapore dưới hình thức visa Work Permit, mức lương trung bình 768-840 SGD/tháng (13-14 triệu đồng) chưa bao gồm tăng ca, làm ngoài giờ, được cung cấp nơi ở miễn phí.
Điều này cho thấy, nhu cầu lao động chất lượng cao từ các nước phát triển sẽ mở ra thời cơ lớn góp phần giúp Việt Nam thu về nguồn ngoại tệ, nâng cao chất lượng nguồn lao động với kỹ thuật tay nghề, ngoại ngữ. Ngoài việc tổ chức đáp ứng nguồn lao động cho các thị trường chủ lực: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bộ Lao Động Thương Binh - Xã hội và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng nhanh nhạy mở rộng sang các thị trường Đông Âu, Tây Âu, Nga, Australia, Israel...
Hiện nhu cầu lao động trong nước cũng đang đứng trước tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, cần có chính sách đáp ứng nhu cầu trong nước và phân bổ nguồn lực mang tính định hướng lâu dài.
Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) nhận định, ngoài ưu tiên đảm bảo nguồn lực phục vụ cho nhu cầu phát triển trong nước,Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu lao động, lựa chọn những thị trường lao động chất lượng cao và nâng cao kỹ năng cho người lao động để nâng cao giá trị.
Nguyễn Luận