Khi thịt tăng giá, người dân có thể lựa chọn thực phẩm khác. Nhưng giá dịch vụ y tế, giáo dục và kể cả xăng dường như không hoạt động theo quy luật kinh tế thị trường, nghĩa là không có sự cạnh tranh và thỏa thuận giữa người bán và người mua. Như vậy là “bất bình đẳng” với NTD.
Dàn hàng “ép” người tiêu dùng
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2017 tăng 0,92% so với tháng trước, do nhiều nhóm hàng hóa đều có chỉ số tăng mạnh. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất, với 2,86% (riêng dịch vụ y tế tăng 3,72%). Việc điều chỉnh tăng giá thuốc và dịch vụ y tế khiến cho CPI tăng khoảng 0,14%.
Nhóm giao thông (xăng, dầu) cũng tăng mạnh tới 2,13% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào thời điểm 4/8 và 19/8, khiến cho CPI tăng khoảng 0,2%. Riêng nhóm giáo dục tăng 10%, trong đó, dịch vụ giáo dục 11,5%.
Trước động thái tăng giá dồn dập này, NTD chỉ còn biết “thắt lưng buộc bụng”, bởi không biết lấy gì để bù vào và càng lo lắng hơn khi VAT đang được đề nghị tăng, trong khi lương tối thiểu vùng có ngành xin hoãn điều chỉnh.
Chị Hương (quận Hà Đông) cho biết, chưa hết tháng 9 nhưng mức lương của cả hai vợ chồng cộng lại được 15 triệu đã gần hết, do phát sinh hàng triệu đồng tiền dành cho y tế và giáo dục.
Chị Hương nhẩm tính, tiền mua sách vở, đồ dùng học tập cho cho hai đứa con học lớp 5 và 2 hết gần 3 triệu đồng, tiền đưa mẹ chị đi khám bệnh hết hơn 5 triệu đồng. Chưa kể trong tháng này nhiều mặt hàng thực phẩm như rau, cá cũng tăng giá, khiến mức chi phí trong gia đình tăng đột biến.
Chị Huyền (quận Nam Từ Liêm) cũng lo cho túi tiền của gia đình mình. Theo chị Huyền, 5 lần liên tiếp gần đây giá xăng tăng kéo theo từng bó rau, con cá cũng tăng. “Tháng trước 1 bó rau mùng tơi chỉ có giá 5.000 đồng, tháng này đã lên đến 7.000 đồng”, chị Huyền nói.
Chỉ số CPI nhóm giáo dục tăng 10% trong tháng 8
Do vậy, tâm trạng chung của NTD khi nghe tăng thuế VAT là lo giá cả sẽ tiếp tục “tăng theo thuế”. Giả sử hàng hóa chỉ tăng bằng mức thuế tăng, mỗi tháng NTD sẽ tốn thêm cả triệu đồng nữa.
“Mới chỉ có xăng, y tế và giáo dục tăng đã ảnh hưởng lớn đến chi tiêu trong gia đình tôi. Nếu VAT mà tăng kéo theo mọi thứ đều tăng thì lấy gì bù vào? Chắc chỉ có nước thắt lưng buộc bụng”, chị Hương than thở.
Tăng là cần thiết nhưng...…
Có thể nói, hiện nay giáo dục và xăng được định hướng là phát triển theo kinh tế thị trường. Nhưng thực tế, nhiều chuyên gia nhận định, giáo dục, xăng về cơ bản vẫn mang tính độc quyền. Điều đó cũng có nghĩa là không có cạnh tranh, NTD không có quyền lựa chọn dịch vụ và kéo theo đó là không thể “mặc cả” về giá được.
Thống kê trên một tờ báo cho thấy, lợi nhuận sau thuế của riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị độc quyền in sách giáo khoa năm 2017 là 67,8 tỷ đồng, bằng 45,5% lợi nhuận toàn khối xuất bản.
Một bộ sách tiểu học hiện nay chỉ có thể dùng cho 1 năm học do có nhiều cuốn sách học sinh phải làm bài trực tiếp như sách toán, tiếng Việt, nhạc… nên không thể tái sử dụng lại được nữa. Do đó, mỗi học sinh tiểu học bắt buộc phải mua một bộ sách vào đầu năm học mới.
Với số lượng gần 8 triệu học sinh tiểu học, chỉ cần tính sơ qua cũng có thể thấy số tiền bán sách lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho mỗi năm học mới. Trong khi đó, sách giáo khoa dành cấp THCS và THPT hầu như năm nào cũng chỉnh sửa một chút và giá cũng cao hơn năm trước.
Hay như việc xăng liên tục tăng giá trong hơn 2 tháng qua. Đứng từ góc độ của NTD, tăng giá xăng sẽ đặt người dân vào thế bị động, lặp lại bản trường ca “Nhà nước tăng giá, dân cứ thế làm theo”.
Người dân chấp nhận tăng mua xăng theo giá thị trường, tức là chấp nhận chuyện tăng và giảm. Nhưng mỗi lít xăng người dân đã phải đóng thêm tiền vào quỹ bình ổn xăng dầu thì khi giá xăng tăng, DN phải xả quỹ để ổn định giá cả, hỗ trợ NTD, chứ không thể chi theo kiểu nhỏ giọt, rồi lấy lý do giá xăng trên thế giới tăng cao nên xăng trong nước phải tăng theo.
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) tính đến hết quý II/2017 còn dư 3.975 tỷ đồng. Trong đó, số dư quỹ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt trên 2.252 tỷ đồng; tại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam đạt trên 305 tỷ; Tổng công ty Xăng dầu Quân đội trên 358 tỷ.
Chưa kể, hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu gấp 2 lần tối đa trong khung thuế hiện hành, từ 1.000 - 4.000 đồng/lít hiện nay lên 3.000 - 8.000 đồng/lít.
Theo ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ tác động trực tiếp lên đời sống của người lao động và các DNNVV - vốn có giá trị gia tăng chưa cao. Đối tượng bị tác động lớn thứ hai là tầng lớp lao động có thu nhập trung bình trở xuống.
Bình luận về động thái tăng một số mặt hàng thiết yếu vừa qua, các chuyên gia kinh tế có quan điểm chung “tăng là cần thiết”, nhưng cần phải minh bạch và các DN cần phải san sẻ với khó khăn của NTD hiện nay bằng cách tiết giảm bớt chi phí, lợi nhuận để giảm giá thành sản phẩm.
Thanh Hoa