Năm 2015, UBND huyện Yên Châu đã tổ chức cho các hộ trồng rau ở bản Chiềng Phú, xã Chiềng Pằn đi học tập mô hình Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp ở huyện Mộc Châu và làm việc với các siêu thị ở Hà Nội về liên kết tiêu thụ nông sản. Ngay sau chuyến đi, các hộ nông dân đã liên kết thành lập HTX nông nghiệp Chiềng Phú với 9 thành viên, 24 lao động chuyên sản xuất 5 ha rau các loại.
Hiệu quả nhờ được "nâng cấp" thường xuyên
Đến nay, các sản phẩm rau của HTX đều được các thương lái đặt hàng, mang ô tô đến tận nơi thu mua với giá cao và ổn định. Các thành viên HTX còn ký kết tiêu thụ sản phẩm rau thông qua các chợ đầu mối, các siêu thị ở các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Tp. Hà Nội và cung cấp cho các bếp ăn của các trường học ở các huyện: Yên Châu, Phù Yên, Bắc Yên. Đặc biệt, sản phẩm rau của HTX được các thương lái của Lào sang tận nơi đặt mua.
Sơn La thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn sản xuất rau theo quy trình VietGAP. |
Ông Hà Đức Chung, thành viên HTX nông nghiệp Chiềng Phú, cho biết, ngày mới thành lập HTX, các cơ quan chức năng huyện, tỉnh cũng thường xuyên xuống bản mở các lớp tập huấn hướng dẫn sản xuất rau theo quy trình VietGAP.
Vì vậy, các thành viên HTX luôn ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ và phân vi sinh để bón cho rau. Việc phòng trừ sâu bệnh cũng phải sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và giữ đúng thời gian cách ly mới được thu hoạch. Đặc biệt, 100% nguồn nước tưới rau ở đây đều sử dụng nước giếng khoan không bị ô nhiễm.
"Vì vậy, các khách hàng rất tin tưởng sử dụng sản phẩm rau xanh của chúng tôi và các thương lái đến đây thu mua đều là những khách hàng quen lâu năm", ông Chung chia sẻ.
Hiện nay, HTX nông nghiệp Chiềng Phú có hơn 3 ha sản xuất rau đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tính riêng năm 2019, HTX nông nghiệp Chiềng Phú đã bán ra thị trường 200 tấn rau, củ và thu gần 2 tỷ đồng (thu nhập bình quân gần 400 triệu đồng/ha).
Từ mô hình trồng rau hiệu quả của HTX đến nay đã có nhiều hộ dân ở bản, xã và huyện học tập, làm theo, cho thu nhập cao và ổn định.
Những chương trình đào tạo lao động nông thôn ở tỉnh Sơn La đang cho thấy nhiều hiệu quả. Huyện Bắc Yên (Sơn La) hiện có 34 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 10 HTX được cấp chứng nhận VietGAP và 1 HTX sản xuất theo hướng hữu cơ.
Thành quả trên có được là nhờ huyện Bắc Yên thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, giám đốc, kế toán các HTX. Khuyến khích các HTX áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các HTX nông nghiệp thực hiện quy trình sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm theo quy trình VietGAP.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp, HTX
Đặc biệt, sự thành công của nhiều HTX ở Sơn La không thể không đề cập tới vai trò của Liên minh HTX Sơn La. Để giúp các HTX hoạt động hiệu quả, trong năm 2019, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tư vấn, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn vốn đầu tư để các hợp tác xã, liên hiệp HTX phát triển.
Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, góp phần nâng thu nhập bình quân của thành viên lên 3 triệu đồng/người/tháng.
Vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Sơn La cho biết sẽ chú trọng nâng cao chất lượng tham mưu cho tỉnh triển khai các chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX. Phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố tháo gỡ khó khăn phát sinh trong hoạt động cho các HTX thành viên; hỗ trợ các HTX xây dựng chuỗi giá trị gắn với phát triển bền vững.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả các chương trình đào tạo lao động nông thôn, mới đây, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 61 tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Sơn La đến năm 2020”, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu thị trường.
Với mục tiêu đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Kế hoạch này nhấn mạnh vào việc đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, HTX và theo yêu cầu của thị trường lao động. Gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thy Lê