“Đổi mới trong dạy nghề, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo để lao động học nghề xong có thể sống được với nghề luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana. Hiệu quả từ những lớp dạy nghề đã góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người dân, giúp họ có những hướng đi đúng, nâng cao mức thu nhập, ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Viết Đồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana cho biết.
Có nghề là hết đói nghèo
Đầu năm 2019, anh Y Đen Byă, ở buôn Cuah (xã Ea Na) tham gia lớp đào tạo nghề xây dựng dân dụng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana tổ chức tại xã. Sau khi “tốt nghiệp”, anh đã có được công việc có thu nhập tốt nhờ tay nghề vững.
Trên 90% thanh niên dân tộc thiểu số ở các buôn học nghề xây dựng đã tự tạo việc làm bền vững. |
Anh Y Đen cho biết, lớp học đã trang bị cho anh và nhiều nông dân trong xã kiến thức về kỹ thuật xây dựng công trình. Trước đó, anh Y Đen từng làm thợ phụ ở nhiều nơi, sau khi được cấp chứng chỉ nghề xây dựng, anh tự tin làm thợ chính. Không những vậy, khi tay nghề vững vàng, anh Y Đen cùng 5 học viên học cùng lớp đứng ra nhận thầu các công trình xây dựng trên địa bàn.
“Nhờ được học nghề bài bản, có việc làm ổn định, giờ đây tôi đã có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”, anh Y Đen tâm sự.
Một điển hình khác thoát đói nghèo và đang từng bước trở nên khá giả nhờ phát huy được nghề đã được học là gia đình ông Huỳnh Đức Quốc (ở thôn 1, xã Quảng Điền). Ông Đức là một trong những người thành công với nghề trồng nấm, mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng. Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Quốc khá khó khăn, nhưng nay đã thay đổi hoàn toàn nhờ phát triển nghề trồng nấm.
Đầu năm 2018, ông Quốc được Hội Nông dân xã vận động tham gia lớp học nghề trồng nấm do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau khóa học hơn 3 tháng, ông Quốc mạnh dạn đầu tư trồng nấm rơm với sự hỗ trợ kỹ thuật của giáo viên của Trung tâm. Lứa nấm đầu tiên thành công, ông tiếp tục tích lũy kinh nghiệm và nhân rộng mô hình sản xuất nấm rơm.
“Kỹ thuật chăm sóc nấm rơm không khó, chủ yếu đòi hỏi người trồng phải thực hiện đúng quy trình từ khâu chọn giống, nguyên liệu đến chăm sóc và thu hoạch”, ông Quốc chia sẻ.
Hiện tại, ông Quốc có 7 trại nấm, quy mô 36 m2/trại, mỗi đợt trồng nấm 30 ngày cho thu hoạch 1,1 tạ nấm/trại, thị trường tiêu thụ ổn định với mức giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg. Với mô hình trồng nấm, ông Quốc đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương, chia sẻ kinh nghiệm giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế bằng nghề trồng nấm.
Thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân
Đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana đã đào tạo được 106 lớp nghề, với hơn 3.400 học viên theo học, gồm các nghề như trồng và khai thác nấm, may, chăn nuôi, sửa chữa xe máy - máy nông nghiệp, xây dựng dân dựng, dệt thổ cẩm…
Phần lớn học viên sau khi học đều có việc làm từ nghề trồng nấm, người có vốn mở cơ sở sản xuất, người không có vốn làm thuê tại các tổ hợp tác, HTX. |
Đối với việc người dân, các tổ, HTX trồng nấm, Trung tâm thường hỗ trợ về mặt kỹ thuật và cung cấp lao động đã qua dạy nghề. Riêng trong năm 2019, Trung tâm đã mở 1 lớp tập huấn về nghề trồng nấm với 35 học viên tham gia. Phần lớn học viên sau khi học đều có việc làm từ nghề trồng nấm, người có vốn mở cơ sở sản xuất, người không có vốn làm thuê tại các tổ hợp tác, HTX.
Cùng với đào tạo nghề, Trung tâm còn tư vấn thành lập tổ hợp tác, làm "cầu nối" cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho học viên. Nhờ đó, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đem lại hiệu quả, từng bước giúp nhiều học viên vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Theo đó, trên 90% thanh niên dân tộc thiểu số ở các buôn học nghề xây dựng đã tự tạo việc làm bền vững; học viên sau khi học nghề đã bước đầu chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa… Thu nhập trước và sau khi học nghề tăng 3 - 10 lần, các mô hình tạo thu nhập bình quân từ 3 - 12 triệu đồng/tháng. Ngoài dạy nghề, những lớp học này còn nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi cách nghĩ, cách làm.
"Để nâng cao hiệu quả của các lớp đào tạo nghề, trước khi tổ chức lớp, Trung tâm đều phối hợp cùng các địa phương khảo sát nhu cầu học, triển khai những mô hình dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế tại địa phương, bảo đảm người lao động sau khi học nghề có thể sống ổn định với nghề đã lựa chọn", Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Viết Đồng chia sẻ.
Đức Nguyễn