Trước đây, việc đào tạo lao động nông thôn ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) dường như không có nhiều thành công, hiệu quả rất thấp. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Triệu Sơn cho biết, lúc bấy giờ, việc học nghề chỉ chọn đối tượng, giới thiệu đối tượng để cho đi học nên không đạt hiệu quả.
Đào tạo theo nhu cầu thị trường
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhu cầu đào tạo nghề ở địa phương đã căn cứ vào nhu cầu nghề của thị trường, cần mới đào tạo và đào tạo đến đâu giải quyết việc làm đến đó. Đây chính là yếu tố tạo nên thành công trong đào tạo nghề ở Triệu Sơn.
Mô hình nuôi thỏ của HTX chăn nuôi và phát triển giống thỏ Newzeland. |
Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho người lao động.
Ông Hùng cho biết: Kết quả đào tạo nghề hàng năm đều vượt so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Có tới 80% các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được mở tại các xã, thị trấn cho phù hợp với nhu cầu đi lại của người học.
Đồng thời, dạy nghề đã bước đầu gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp, HTX như nghề may công nghiệp, điện dân dụng, xây dựng, trồng rau sạch, nghề tiểu thủ công nghiệp... Nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX trong và ngoài huyện.
Đến nay, tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề trên địa bàn huyện Triệu Sơn là gần 33 nghìn người, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo khoảng 85%, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg đã học xong 2.775 lao động, có việc làm sau học nghề là 2.633 người.
Thu hút nhiều thành phần tham gia
Hiện, trên địa bàn huyện Triệu Sơn có hơn 120 doanh nghiệp, trong đó có 6 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực may mặc, da giày, đào tạo và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 nghìn lao động. Các nghề, làng nghề truyền thống cũng đã dạy nghề và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động như làng nghề nón lá, tăm hương... Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Khảo sát nhu cầu học nghề trước khi tổ chức đào tạo. |
Đặc biệt, công tác đào tạo nghề có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, HTX. Điển hình như HTX chăn nuôi và phát triển giống thỏ New Zealand (xã Dân Lực) bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, HTX tích cực tham gia các chương trình hội thảo, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức cho các thành viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thỏ thành công trong và ngoài tỉnh, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật trong chăn nuôi.
Tham gia nuôi thỏ, lợi nhuận của mỗi thành viên trong HTX đều đạt từ 200-300 triệu đồng/năm. HTX có trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật, con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm, nên việc chăn nuôi của thành viên khá ổn định.
Đặc biệt, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết: Muốn thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân thì mỗi UBND xã phải là trung tâm, điều tra và khảo sát đúng nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo.
Lãnh đạo huyện Triệu Sơn cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận, lựa chọn ngành nghề và tham gia học nghề theo nhu cầu của người học, nhu cầu thị trường lao động, phấn đấu trong năm 2020 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 75%.
Ông Trung đánh giá, hiện nay, nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện rất lớn, vì vậy huyện Triệu Sơn đề nghị tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội của huyện Triệu Sơn.
Thy Lê