Mới đây, Hội Nông dân phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) phối hợp với Hội phụ nữ phường và Trung tâm dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng khai giảng lớp nghề “Kỹ thuật pha chế” cho hội viên nông dân.
Tham gia lớp học có 28 học viên là hội viên nông dân, phụ nữ trên địa bàn phường có nhu cầu được đào tạo nghề để tìm kiếm một công việc phù hợp ổn định.
Áp dụng vào thực tế
Thời gian đào tạo của lớp học này là 2 tháng, hướng dẫn cách thức pha chế, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động chưa qua đào tạo nghề, qua đó giúp nông dân chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, ổn định cuộc sống góp phần thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”.
![]() |
Nhiều nông dân ở Đà Nẵng quan tâm đến học nghề trồng rau an toàn |
Việc đào tạo nghề cho nông dân được quận Cẩm Lệ chú trọng trong thời gian qua. Trong 3 năm trở lại đây, các cấp Hội nông dân đã tổ chức 12 lớp đào tạo nghề, 40 buổi tập huấn khởi nghiệp cho hơn 8.000 lượt nông dân, kết nối vay 70 tỷ đồng phát triển sản xuất, hỗ trợ 600 triệu đồng giống, vật tư sản xuất.
Từ việc quan tâm nâng cao nghề nghiệp cho người nông dân, theo Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ Hứa Thị Thùy Phương, đến nay, quận có 479 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó có 38 hộ làm nông nghiệp theo hướng đô thị, doanh thu trung bình mỗi năm từ 300 triệu đến hơn 1 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Hội Nông dân TP Đà Nẵng, trong 10 năm qua đã tổ chức dạy nghề cho hàng nghìn nông dân, tập trung vào các nghề làm nấm, trồng hoa, cây cảnh, trồng rau an toàn, chăn nuôi, thú y; tỷ lệ học viên có việc làm sau học nghề đạt 96,1%.
Các mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp ở Đà Nẵng thường xuyên hoạt động, từng bước khôi phục các ngành nghề truyền thống như tổ hội nông dân nuôi chim cút, chi hội nông dân trồng hoa, cây cảnh, chi hội nông dân sản xuất nấm, trồng rau an toàn, tổ hội nông dân hành nghề câu khơi…
Ông Nguyễn Mai Hồng (62 tuổi), Giám đốc HTX Nấm Hòa Tiến (xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang) cho biết, bản thân ông cũng từng tham gia lớp học trồng và chế biến nấm ăn. Học bao nhiêu cũng không đủ. Mỗi lần học, ông lại có thêm kiến thức, kinh nghiệm nên khi áp dụng vào thực tế thấy yên tâm hơn.
“Xưa nay, người nông dân nuôi con gì, trồng cây gì cũng dựa trên kinh nghiệm bản thân. Đôi khi nuôi càn, nuôi đại, mùa sau rút kinh nghiệm mùa trước nên năng suất khi trồi khi sụt. Việc tham gia các lớp học nghề giúp chúng tôi nắm rõ phương pháp trồng nấm linh chi, nấm rơm, nấm sò, nấm tuyết, đồng thời kết nối được với những người có kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông Hồng nói.
Tạo nguồn thu nhập thường xuyên
Nhờ vào tính chất hiệu quả từ việc học nghề cho nông dân, hiện HTX Nấm Hòa Tiến có gần 10 lao động lành nghề, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Nghề trồng nấm ở huyện Hoà Vang được đánh giá có đầu ra khá tốt và giá tiêu thụ ổn định. Nhờ đẩy mạnh khâu dạy nghề trồng nấm đã giúp cho bà con nông dân trên địa bàn huyện có nguồn thu nhập thường xuyên để hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình.
![]() |
Nhờ học nghề trồng nấm rơm, đời sống nông dân ở xã Hoà Tiến (huyện Hoà Vang) thêm khấm khá |
Nhiều hộ gia đình đầu tư trồng nấm với quy mô khá lớn. Trung bình một lao động trồng nấm thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Điển hình như HTX Nấm Nhơn Phước ở xã Hoà Nhơn (huyện Hoà Vang) đã tạo việc làm cho nhiều thành viên với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Lê Thị Khánh (ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn) chia sẻ: “HTX tạo điều kiện cho chúng tôi làm ăn ổn định, thu nhập tăng. Nhờ đó, gia đình không khó khăn như ngày xưa nữa”.
Hoặc như chị Trần Thị Nga (thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) cho biết đã quyết tâm đi học nghề nuôi cá do Hội Nông dân xã tổ chức sau bao lần nuôi cá nhưng hiệu quả không cao, thậm chí thất bại vì cá thường xuyên bị dịch bệnh.
Thu hoạch xong vụ cá basa đầu tiên sau khi kết thúc khóa học nghề, chị Nga chia sẻ, trừ mọi chi phí, gia đình chị còn lãi gần 50 triệu đồng/hồ 1.000 m2.
Có thể thấy tính hiệu quả của việc dạy nghề cho nông dân ở vùng nông thôn TP Đà Nẵng là rất lớn. Đặc biệt là khi nhiều Hội Nông dân ở Đà Nẵng đã có sự chủ động trong nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân, định hướng ngành nghề sản xuất để tăng thêm thu nhập.
Thanh Loan