Việc tham gia các lớp đào tạo lao động nông thôn giúp nhiều nông dân ở tỉnh Hòa Bình nâng cao nhận thức, tiếp thu nhiều tiến bộ kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp.
Mỗi học viên là một tuyên truyền viên
Năm 2019, HTX sản xuất gà Lạc Thủy (xã An Bình, huyện Lạc Thủy) là đơn vị đã liên kết bao tiêu sản phẩm chuỗi liên kết gà Lạc Thủy, đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình tổ chức thực hiện lớp dạy nghề nuôi gà cho 30 lao động nông thôn.
Phối hợp với các HTX đào tạo nghề đúng đối tượng, đúng nhu cầu. |
Đánh giá về hiệu quả các lớp dạy nghề, đại diện HTX sản xuất gà Lạc Thủy cho biết: Sau khóa đào tạo, học viên đã được nâng cao nhận thức, tiếp thu nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về kỹ thuật chọn giống gà, nắm vững quy trình chăn nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho gà qua từng giai đoạn. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, nông dân tiếp tục duy trì sản suất, tạo việc làm ổn định.
Đặc biệt, mỗi học viên là một tuyên truyền viên về mở rộng sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng "nông dân dạy nông dân". Theo đó, HTX đề nghị với các cấp và Trung tâm Khuyến nông tiếp tục mở lớp dạy nghề cho bà con trong xã để mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng năng suất, chất lượng, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Năm 2019, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện 13 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại 6 huyện: Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Thủy và Lương Sơn.
Tổng số lao động được học nghề và được cấp chứng chỉ là 313 người, trong đó nghề trồng cây có múi 52 người, nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm 178 người, nghề nuôi thủy sản nước ngọt 30 người, nghề sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ 28 người, ngành nghề khác 25 người.
Đáng chú ý, trong quá trình triển khai thực hiện, Trung tâm đã phối kết hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, HTX sản xuất kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp… để đánh giá nhu cầu học nghề của nông dân, từ đó lựa chọn, tuyển sinh học viên theo đúng đối tượng, đúng nghề đào tạo, ưu tiên cho lao động nông thôn trong vùng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu
Đồng thời, Trung tâm cũng chú trọng xây dựng các mô hình dạy nghề (mô hình mẫu) nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân được thực hành, được học nghề theo cách "cầm tay chỉ việc".
Xây dựng các mô hình đào tạo nghề mẫu . |
Qua nhiều năm thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị để góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bám sát định hướng của ngành, Trung tâm xây dựng kế hoạch và trình các cấp thẩm duyệt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở rộng đối tượng học nghề là nông dân trong vùng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt, ưu tiên cho phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của từng địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình, trước hết phải có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nông thôn và vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, từ đó có các giải pháp cơ bản, phù hợp với từng vùng cụ thể.
Trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hướng tới đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Ông Thủy cho biết: "Mục tiêu là sau năm 2020, công tác dạy nghề tạo đột phá về chất lượng đào tạo nghề theo hướng tiếp cận trình độ chung của cả nước và khu vực ASEAN, nhằm đào tạo nhân lực có kiến thức, năng lực thực hành nghề, có đạo đức, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động".
Thy Lê