Quảng Bình đang đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn |
Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể đến năm 2020, trong đó có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo cán bộ được Quảng Bình đặt ra là mỗi năm mở 20 lớp đào tạo cho 900 - 1000 lượt người; tỷ lệ cán bộ HTX đạt trình độ sơ cấp, trung cấp đạt 65-67%; trình độ cao đẳng, đại học đạt 25-27%; 100% cán bộ chủ chốt HTX được bồi dưỡng bổ sung kiến thức chuyên môn và pháp luật có liên quan; 100% xã xây dựng nông thôn mới đều có HTX hoạt động hiệu quả.
Bảo đảm chất lượng
Đất nước đổi mới và đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ, việc đào tạo nghề cho các HTX cũng cần thực hiện một cách bài bản. Việc giới thiệu việc làm sau đào tạo cũng trở thành nhu cầu không thể thiếu.
Đáp ứng nhu cầu đó, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình và Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh (do Liên minh HTX tỉnh thành lập) với chức năng tư vấn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lực lượng lao động HTX đã nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy, là cầu nối quan trọng giữa HTX với các tổ chức, chuyên gia đào tạo nghề cho HTX. Công tác đào tạo nghề cho HTX đã được đưa vào chương trình kế hoạch hàng năm và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề được Liên minh HTX tỉnh và Trung tâm giới thiệu việc làm xúc tiến thường xuyên hơn nhằm bảo đảm tốt chất lượng đào tạo và kết quả đào tạo lao động khu vực nông thôn cũng như lao động cho các HTX.
Để người lao động tại các HTX có cơ hội tiếp cận các lớp đào tạo và học nghề, Liên minh HTX tỉnh và Trung tâm giới thiệu việc làm đã phối hợp với các HTX, làng nghề tại địa phương tổ chức tuyển sinh và lập kế hoạch triển khai chi tiết đào tạo nghề và sau đào tạo nghề cho lao động.
Thông qua việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, số học viên được đào tạo và truyền nghề đã tăng lên, đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo, hầu hết các học viên đều là thành viên và người lao động của các Tổ hợp tác, HTX, làng nghề.
Quảng Bình hiện có 22 cơ sở đào tạo nghề |
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Hiện nay, nhu cầu đào tạo nghề cho HTX trên địa bàn tỉnh khá cao. Chỉ tính riêng hệ thống các HTX nông nghiệp, nhu cầu đào tạo về kỹ thuật canh tác theo công nghệ mới, đào tạo kiến thức về bảo vệ thực vật, về công nghệ sau thu hoạch đã rất lớn.
Đặc biệt, tại các HTX tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu đào tạo nghề hiện nay được đánh giá là rất quan trọng và cấp bách. Tuy các thành viên của các HTX trên địa bàn vốn có kinh nghiệm, đã từng sản xuất ở các làng nghề truyền thống như nón lá, mây tre, mộc, rèn đúc, đóng thuyền, chế biến thủy sản... nhưng do nhu cầu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng mẫu mã thì kinh nghiệm chưa đủ mà cần có kiến thức theo công nghệ mới thì mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế, Liên minh HTX tỉnh đang tăng cường đổi mới cả chất lượng, số lượng đào tạo và mở rộng ngành nghề đào tạo.
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình, cho biết với định hướng của tỉnh là phát triển về du lịch, khu vực kinh tế tập thể sẽ chú trọng hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống, sản xuất các mặt hàng lưu niệm, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho khách du lịch thông qua công tác đào tạo nghề và hình thành các mô hình HTX trình diễn sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới có tác động và đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu này, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp cùng các địa phương nắm rõ tình hình sản xuất của các HTX tiểu thủ công nghiệp để linh hoạt triển khai các nội dung đào tạo nghề theo từng giai đoạn cụ thể; thực hiện thông tin, tuyên truyền để người lao động khu vực nông thôn biết và tham gia, thụ hưởng; Khuyến khích các HTX, Tổ hợp tác ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Huyền Trang