Được đào tạo nghề, các lao động và thành viên HTX Tiên Phong-Mường Vi đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất tiên tiến |
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, 5 năm qua, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX đã có những chuyển biến tích cực; khẳng định rõ vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho khu vực KTTT phát triển, thời gian qua, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó các các mô hình tổ hợp tác, HTX đã được tỉnh tạo điều kiện tiếp nhận nguồn vốn từ chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương sử dụng trong việc đầu tư sản xuất, góp phần quan trọng trong việc tăng giá trị phát triển công nghiệp địa phương.
Tạo điều kiện phát triển
Là cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát huy hiệu quả nguồn vốn khuyến công, HTX Tiên Phong – Mường Vi (huyện Bát Xát) được thành lập năm 2014. Với tôn chỉ “Con người là chủ thể của sản xuất”, Ban giám đốc, Ban quản trị HTX đã chủ động tham gia các lớp đào tạo về quản lý HTX, đào tạo về phát triển HTX trong thời kỳ hội nhập… Các thành viên cũng được tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo nghề sản xuất lúa hàng hóa, sản xuất lúa VietGAP theo quy trình, dây chuyền hiện đại… do Liên minh HTX tỉnh tổ chức.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng lao động và quản lý cho các thành viên, HTX còn liên kết với một số cơ sở đào tạo trong huyện nhằm tiếp nhận những lao động sau khi đào tạo nghề có nhu cầu làm việc tại HTX hoặc tham gia là thành viên HTX nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau khi kết thúc khóa học.
Đào tạo nghề trồng cây dược liệu theo hướng GACP |
Sau các lớp đào tạo, cùng với sự giúp đỡ về kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, HTX đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền xay xát gạo mới, hiện đại hơn, làm tăng năng suất, sản lượng đầu ra. Dây chuyền mới có khả năng tự động loại bỏ hạt gạo lỗi, hạt đen đầu, phân loại hạt bằng máy tách công nghệ ánh sáng CCD – ánh sáng màu, giúp cho sản phẩm gạo Sén Cù của HTX sáng đẹp đều màu, ít gãy, giữ được lớp vỏ cám giàu dinh dưỡng để đem bán ra trên thị trường.
Việc thay đổi dây chuyền sản xuất mới không chỉ thúc đẩy hoạt động sản xuất của HTX phát triển, mà còn góp phần ổn định việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Chị Nguyễn Thị Sim – lao động trong HTX chia sẻ: “Làm ruộng ở nhà không những vất vả mà thu nhập lại không được bao nhiêu. Khi đi làm ở HTX Tiên Phong, tôi có thêm tiền trang trải cuộc sống, thu nhập còn ổn định hơn”.
HTX Thành Sơn (huyện Bát Xát) thành lập năm 2015 với ngành nghề sản xuất miến đao. Nhờ chú trọng phát triển các yếu tố nội lực, tận dụng lao động nông thôn tại địa phương sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề, đến nay, HTX đã không ngừng mở rộng quy mô, nâng cao sản lượng, doanh thu và thu nhập cho các thành viên, lao động và các hộ dân trên địa bàn xã và các xã lân cận. Từ khi tham gia mô hình sản xuất của HTX, thành viên và người lao động cũng chủ động, hăng hái tham gia phát triển sản xuất hơn.
Sức lan tỏa
Được biết, trong 5 năm (2014 – 2018), tổng nguồn vốn khuyến công của trung ương và địa phương hỗ trợ cho 147 đề án là khoảng 16,5 tỷ đồng và mục tiêu chính mà chương trình khuyến công trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Lào Cai là đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn, tạo sự bền vững trong chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương.
Ông Phan Văn Cương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, cho biết bên cạnh sự vào cuộc của các cấp ngành, việc tỉnh nâng mức hỗ trợ, nhất là với các dự án điểm có tác động lớn, sức lan tỏa rộng như đầu tư cho các cụm công nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp theo chương trình mỗi xã một sản phẩm, chương trình OCOP, cũng như các sản phẩm có thế mạnh của địa phương cũng là cách giúp các HTX phát triển, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy được hiệu quả.
Trong năm 2019 này, tỉnh kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 15% hoạt động sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao, nhằm gia tăng giá trị của các sản phẩm nông, lâm sản.
Huyền Trang