Các giám đốc HTX đã chú trọng nâng cao kiến thức để quản lý HTX hiệu quả |
Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan hay Malaysia… đều là những nước thành công và coi trọng HTX trong phát triển kinh tế xã hội. Đây đều là những tấm gương đáng để chúng ta học hỏi, hợp tác.
Những tấm gương sáng
Là một nước nông nghiệp, sự phát triển kinh tế của Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào việc phát triển nông nghiệp. Người nông dân coi HTX là phương tiện để tiếp nhận tín dụng, đầu vào và các nhu cầu cần thiết về dịch vụ sản xuất.
Ở Ấn Độ, tổ chức HTX được ra đời từ lâu và chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của nước này, trong đó, Liên minh HTX Quốc gia Ấn Độ (NCUI) là tổ chức cao nhất, đại diện cho toàn bộ HTX ở Ấn Độ.
NCUI có 212 thành viên, gồm 17 liên đoàn HTX chuyên ngành cấp quốc gia, 171 liên đoàn HTX thuộc các bang và 24 liên hiệp HTX đa chức năng cấp quốc gia. Mục tiêu chính của NCUI là hỗ trợ và phát triển phong trào HTX ở Ấn Độ, giáo dục và hướng dẫn nông dân cùng nhau xây dựng và phát triển HTX.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của NCUI là công tác đào tạo với hệ thống đào tạo 3 cấp: Viện Đào tạo quốc gia có nhiệm vụ đào tạo và cấp bằng cao đẳng về quản lý kinh doanh HTX; Viện Đào tạo cấp bằng đào tạo và bằng trung cấp về quản lý, kinh doanh HTX; Trung tâm đào tạo cấp quận, huyện đào tạo cán bộ HTX cơ sở, đào tạo nghề.
Do có các chính sách và phân cấp đào tạo hợp lý nên Ấn Độ đã có một đội ngũ cán bộ có trình độ cao, thúc đẩy khu vực kinh tế HTX phát triển. Chính vì vậy mà mô hình HTX trở thành lực lượng vững mạnh, tham gia hầu hết các hoạt động kinh tế của đất nước.
Tại Nhật Bản, Liên hiệp HTX tiêu dùng (JCCU) là tổ chức cấp cao của khu vực HTX ở Nhật Bản. Để hỗ trợ các HTX, JCCU đã xây dựng hệ thống đào tạo lớn mạnh với những bộ môn: Quản lý HTX; chế biến nông sản; dạy nghề liên quan đến HTX theo vùng sản xuất. Chẳng hạn như ở vùng chuyên chăn nuôi bò sữa, JCCU chú trọng đào tạo kỹ năng cho nông dân, cán bộ sản xuất về chế biến, kinh doanh sữa. Cùng với đó, JCCU còn chú trọng đào tạo kiểm toán nội bộ nhằm uốn nắn, sửa chữa, đánh giá hoạt động hàng năm của HTX tốt/xấu ra sao để kịp thời bổ cứu chứ không phải để tìm “bóc tách” cái sai của HTX.
Nhìn về Việt Nam
Ở nước ta, việc đào tạo cán bộ, dạy nghề cho các HTX do Bộ NN&PTNT, Liên minh HTX Việt Nam đảm nhận. Đến nay, việc đào tạo cán bộ, dạy nghề cho HTX đã có những bước tiến và được đánh giá là phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được một số nhu cầu phát triển của HTX trong thời kì hội nhập. Vì vậy, những HTX ra đời sau Luật HTX năm 2012 đều quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng quản lý, kinh doanh đi đôi với kiến thức phát triển nghề. Nếu cán bộ HTX nào đã qua đào đều chủ động trong nhu cầu kinh tế thị trường, đưa HTX phát triển tốt.
Phó cục trưởng Cục KTHT&PTNT (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh cho biết: Việc đào tạo cán bộ HTX không chỉ dựa trên lý thuyết, mà phải gắn với mô hình thực tiễn. Ngoài đào tạo về quản lý, quản trị kinh doanh, công tác đào tạo đã chú trọng về xây dựng phương án sản xuất, phương thức quản lý vốn, huy động vốn, xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn đi đôi với bồi dưỡng kiến thức nghề.
Nhờ tham gia lớp quản lý điều hành HTX ở Học viện Nông nghiệp, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đan Phượng (Hà Nội) Chu Văn Hòa các thành viên trong Hội đồng Quản trị rất tự tin quản lý và phát triển HTX. Hiện, HĐQT HTX có 5 người, trong đó 4 người có bằng đại học, 1 người bằng trung cấp. Đến thời điểm này, HTX còn có 4 phó giám đốc điều hành đang tiếp tục đi học.
Hay như Giám đốc HTX Chế biến xuất khẩu Hiền Vân (Bắc Ninh), ông Nguyễn Văn Khanh, cho biết việc tham gia lớp đào tạo cán bộ quản lý giúp những người đứng đầu HTX như ông nâng cao năng lực điều hành, làm tốt công tác xuất khẩu. Chính vì vậy, HTX Vân Hiền đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc sản xuất và xuất khẩu dưa bao tử trên địa bàn.
Huyền Trang