Cần đào tạo, bồi dưỡng để nông dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn |
Vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, quanh năm gắn bó với ruộng đồng song giờ đây nhiều người nông dân đã làm một công việc khác đó là làm du lịch.
Kinh tế du lịch
Ít ai nghĩ, những công việc nhà nông như: trồng hoa, bán hoa, nấu ăn, chèo thuyền, nuôi trồng thủy sản… lại trở thành các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Vậy mà tại phường Bãi Cháy, Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh những công việc làng quê "chân lấm tay bùn" này lại được nhiều du khách nước ngoài thích thú.
Điều thú vị hơn cả là người hướng dẫn, trực tiếp tham gia trải nghiệm cùng du khách không ai khác chính là những người nông dân. Giống như nhiều hộ nông dân khác tại phường Bãi Cháy, gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu trước đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Năm 2008, khi ở đây bắt đầu khai thác mô hình du lịch làng quê, vợ chồng anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia làm du lịch. Tranh thủ khoảng thời gian nông nhàn, anh vừa làm ruộng, vừa tham gia đưa đón khách du lịch bằng thuyền, phục vụ khách ăn uống hay tìm hiểu quy trình nuôi hàu… phục vụ du khách. Trung bình mỗi tháng, công việc này đã giúp anh có thêm khoản thu nhập 3-4 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ khi tham gia HTX Dịch vụ du lịch Vạn Chài Hại Long, anh và các thành viên và người lao động trong HTX đã được tham gia các lớp đào tạo nghề do Sở Du lịch tỉnh tổ chức. Từ một người nông dân làm du lịch thuần túy, đến nay, các thành viên và người lao động thuộc HTX đã có kỹ năng, kiến thức ứng xử trong giao tiếp cùng du khách, giới thiệu những đặc trưng cuộc sống, không gian sinh hoạt, sản xuất hàng ngày.
Mọi người cũng tích cực cùng chính quyền địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông thuận lợi, đầu tư phục dựng lại nguyên bản cuộc sống người dân trước đây. Việc đầu tư xây mới hay cải tạo nhà của chính thành viên và người dân cũng được thực hiện nhằm giúp du khách trực tiếp trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống nơi đây.
HTX Du lịch cộng đồng Tràng An (Ninh Nhất, Ninh Bình) trong thời gian gần đây đã và đang phối hợp với các đơn vị tập trung đào tạo ngoại ngữ, truyền đạt về văn hóa của người dân trên địa bàn. Đồng thời HTX xây dựng hệ thống nhà nghỉ, dịch vụ với tổng nguồn kinh phí đầu tư khoảng trên 10 tỷ đồng phục vụ du khách.
Động lực phát triển
Việc thành lập các Tổ hợp tác, HTX du lịch không chỉ giúp người dân từng bước liên kết làm du lịch, tăng chất lượng hoạt động mô hình kinh tế tập thể mà còn là nền tảng để hình thành nhân lực chất lượng cho ngành du lịch tại các địa phương.
Các mô hình HTX, Tổ hợp tác du lịch tuy thành lập nhiều trong những năm gần đây nhưng đã khẳng định hướng đi đúng, phù hợp, đem lại thu nhập ổn định và có thể hình thành mở rộng thêm một số dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các mô hình trên trước mắt mới đáp ứng một phần nhu cầu của một bộ phận người lao động. Một trong các yếu tố làm chậm lại sự phát triển của mô hình đó là yếu tố quản lý đối với đội ngũ cán bộ của HTX, Tổ hợp tác do phần lớn là những người chưa có kinh nghiệm quản lý kinh tế, chưa được đào tạo chuyên môn nhất là kỹ năng marketing; nguồn vốn đóng góp ít dẫn đến việc đầu tư các hạng mục hạ tầng, phương tiện, nguyên vật liệu sản xuất và làm kinh doanh, nhất là tính liên kết chưa cao, hoạt động còn mang tính "mạnh ai nấy làm".
Thiết nghĩ việc xây dựng các mô hình HTX, Tổ hợp tác du lịch tại các địa phương hiện nay là điều cần thiết, phù hợp, song Nhà nước và các cấp chính quyền cần có những chính sách cụ thể, trước hết là về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, mà cụ thể là đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành của các HTX.
Bên cạnh đó là các chương trình hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá thông hội chợ, tham quan học tập kinh nghiệm làm nghề du lịch ở những nơi có bề dày… có như vậy ngành du lịch mới phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Như Yến