Cuối tháng 4/2021, tại hội trường xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hoằng Xuân đã phối hợp với HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, xã Hoằng Trung tổ chức lớp dạy nghề đan cói, bèo bồng xuất khẩu cho phụ nữ địa phương, tạo hiệu ứng tích cực.
Ổn định cuộc sống nhờ có nghề
Lớp dạy nghề của HTX Trung Kiên tại Hoằng Xuân đã thu hút 24 học viên. Tham gia lớp học, các học viên được tập huấn để nắm vững kỹ thuật, mỹ thuật các sản phẩm đan từ nguyên liệu cói hoặc bèo.
Lớp dạy nghề đan đát cho lao động nữ xã Hoằng Xuân đang tạo hiệu ứng tích cực (Ảnh TL). |
Dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật HTX, các thành phẩm đặt ra yêu cầu khá khắt khe, đảm bảo đúng kích cỡ yêu cầu, tròn, đều, đẹp, chắc tay, chỉ cần một mẩu cói thừa ra trên sản phẩm cũng sẽ phải làm lại. Theo đánh giá, công việc này không quá khó, đòi hỏi sự kỳ công, nhưng cần kiên trì, tỉ mỉ.
Chị Phan Thị Lệ, xã Hoằng Xuân chia sẻ kể từ năm 2016, chị kiếm sống bằng nghề chạy chợ, bán những mặt hàng lặt vặt như gia vị, trứng, rau củ… Song do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc buôn bán trong 2 năm qua rất thất thường, thu nhập thấp.
Đầu năm 2021, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ xã có chủ trương mở lớp dạy nghề đan đát, chị Lệ hào hứng đăng ký tham gia và may mắn được lựa chọn ngay ở đợt đầu tiên. Nhờ được cán bộ kỹ thuật HTX Trung Kiên dạy nghề theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, chỉ sau 2 tháng học nghề, chị đã nắm vững kỹ thuật đan cơ bản.
“Sau lớp học nghề, tôi nhận nguyên liệu của HTX về làm, vì tay nghề còn non nên chỉ làm những sản phẩm đơn giản. Nhờ chịu khó nên bình quân mỗi tháng cũng có thu nhập trên dưới 2 triệu. Trong thời gian tới, khi tay nghề thuần thục hơn, nhận những mặt hàng khó, thu nhập chắc chắn sẽ tăng”, chị Lệ cho hay.
Thực tế, nghề đan đát đã manh nha ở xã Hoằng Xuân nhiều năm qua, thu hút hàng chục hộ làm nghề. Dù không phát triển mạnh như ở xã Hoằng Trung (nơi HTX Trung Kiên hoạt động chính), tuy nhiên, nghề cũng giúp nhiều phụ nữ trên địa bàn thoát nghèo, ổn định kinh tế.
Bám sát nhu cầu thực tiễn
Bên cạnh nghề đan đát, các lớp nghề nông nghiệp giúp phụ nữ địa phương tự tin xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cũng được xã Hoằng Xuân quan tâm hỗ trợ trong những năm qua.
Việc đào tạo nghề cho lao động nữ sẽ tiếp tục được xã quan tâm (Ảnh TL). |
Đơn cử, trong năm 2020, xã đã tạo điều kiện cho 20 lao động nữ tham gia lớp tập huấn nuôi lợn theo hướng VietGAP của Trung tâm dạy nghề huyện Hoằng Hóa. Sau khóa học, 8 trong số 20 học viên đã liên kết thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi.
Đến nay, sau gần 1 năm hoạt động, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, lại được sự đồng hành sát sao của cán bộ nông nghiệp địa phương, các thành viên Tổ hợp tác đang phát triển sản xuất tốt, cho thu nhập bình quân 50 – 70 triệu đồng/hộ (sau 3 lứa nuôi lợn).
Theo lãnh đạo UBND xã Hoằng Xuân, việc tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn trong thời gian qua luôn bám sát nhu cầu đăng ký thực tế của phụ nữ trên địa bàn.
Hiệu quả công tác đào tạo nghề giúp việc gắn kết giữa dạy nghề với giải quyết việc làm tại chỗ, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng một bộ phận nông nghiệp sang làm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, qua đó góp phần tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.
Được biết, để công tác dạy nghề và đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn đạt hiệu quả cao, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ xã Hoằng Xuân đã tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên đối với công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các hình thức dạy nghề phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.
Trong thời gian tới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhu cầu việc làm ngày càng tăng, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề cả về nông nghiệp và phi nông nghiệp, từ đó tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là phụ nữ.
Xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các hội viên phụ nữ tham gia các HTX, tổ hợp tác, hoặc liên kết thành lập mới các HTX, tổ hợp tác, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, giảm thiểu các rủi ro về thị trường, đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kinh tế địa phương.
Lệ Chi