Làng Xa Vệ, xã Hoằng Trung nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với nghề đan chổi đót truyền thống. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề làm chổi đót vẫn tồn tại, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Giữ nghề truyền thống
Ông Vũ Đình Hữu, người đã gắn bó với nghề làm chổi của địa phương hơn 20 năm, chia sẻ nghề làm chổi đót vốn là nghề phụ của người dân lúc nông nhàn. Nhưng với gia đình ông, làm được nhà, nuôi con ăn học cũng từ nghề làm chổi đót.
Nghề đan chổi đót truyền thống ở Hoằng Trung đang được dạy nghề và truyền nghề hiệu quả (Ảnh TL). |
Ngoài việc làm nghề, gia đình ông Hữu còn đứng ra thu mua sản phẩm của người dân trong làng để mang ra thị trường tiêu thụ, lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm.
Theo thống kê, làng Xa Vệ có 4 thôn thì có gần 50 hộ, với khoảng hơn 400 lao động làm nghề chổi đót truyền thống, tập trung nhiều ở thôn 3 với 20 hộ làm nghề, thu hút 300 lao động.
Trên địa bàn có 2 hộ sản xuất chổi theo quy mô lớn, mỗi hộ tạo việc làm thường xuyên cho 10 đến 15 lao động, thu nhập 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Từ sản phẩm truyền thống đầu tiên là chổi bện mây, đến nay, người dân trong làng đã sản xuất ra 10 loại mặt hàng chổi đót khác nhau, đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ chổi cọc, chổi cán nhựa, chổi cán tre, chổi hoa, chổi thép đến chổi quét vôi ve, chổi quét bàn thờ...
Lãnh đạo xã Hoằng Trung cho biết, nhờ hiệu quả của công tác dạy nghề, truyền nghề nên các sản phẩm của làng nghề Xa Vệ ngày càng tinh xảo, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiệu quả của công tác dạy nghề và truyền nghề cũng chính là nền tảng để làng nghề Xa Vệ duy trì hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, trong khi nhiều làng nghề khác trên địa bàn tỉnh đang dần bị thu hẹp cả về quy mô lẫn giá trị.
Tương tự, nghề thủ công mỹ nghệ cũng đang tạo nhiều việc làm cho lao động xã Hoằng Trung. Trong đó, HTX tiểu thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên đang là đầu tàu trong công tác dạy nghề.
Chị Phạm Thị Ngân, Giám đốc HTX, cho biết đơn vị hiện có cơ sở sản xuất chính đóng tại xã Hoằng Trung và 2 cơ sở sản xuất nhỏ tại xã Hoằng Khánh và Hoằng Hà, đều sản xuất 2 sản phẩm chính là túi siêu thị và móc hộp (các loại móc trang trí), xuất khẩu theo mô hình liên kết với một số công ty ở tỉnh Hà Nam.
Phát triển bền vững
Theo chị Ngân, hoạt động của HTX Trung Kiên tuy không mang lại lợi nhuận kinh tế quá cao, chỉ khoảng 250 triệu đồng/năm, nhưng đang tổ chức dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ tại địa phương.
HTX Trung Kiên hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ (Ảnh TL). |
HTX hiện thu hút khoảng 100 công nhân may túi và 70 lao động nông nhàn trong các hộ gia đình đan, móc các mặt hàng xuất khẩu, với thu nhập bình quân 3,5 – 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều chị em phụ nữ còn đăng ký nhận hàng về nhà để làm, vừa tranh thủ đưa đón con cái học hành, cơm nước, vừa kiếm thêm thu nhập...
Chị Lê Thị Hải, xã Hoằng Trung, cho biết vào năm 2016, khi đang loay hoay không biết phải làm gì để kiếm thêm thu nhập trong bối cảnh vụ mùa chỉ kéo dài khoảng 6 tháng, 6 tháng còn lại thì không có việc, chị được giới thiệu đến HTX Trung Kiên để học nghề đan và thêu.
Sau 3 tháng học nghề, nắm chắc kỹ thuật, chị Hải nhận nguyên liệu của HTX về đan móc và thêu túi. Nhờ có tay nghề cao, thị trường tiêu thụ ổn định, mỗi tuần chị đều đặn “trả hàng” cho HTX, tiền công duy trì ở mức 700 – 800 nghìn đồng/tuần.
Theo đại diện UBND xã Hoằng Trung, cùng với việc du nhập và phát triển những nghề mới như đan móc hộp, thêu ren, mộc mỹ nghệ... xã vẫn khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân gìn giữ, phát triển các nghề truyền thống như làm chổi đót.
Hiệu quả của các nghề phi nông nghiệp đã và đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống người dân và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển thêm các nghề mới, nhằm tạo thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, xã sẽ khuyến khích các hộ dân tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để có điều kiện học nghề, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, tiếp cận thị trường nhanh hơn, từ đó đảm bảo hiệu quả công việc.
Lệ Chi