Năm 2020, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn Nhà nước, Nghệ nhân Ván Thị Chi ở Thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh (Quang Bình, Hà Giang) đã mạnh dạn vận động, tập hợp một nhóm với hơn chục chị em có tay nghề dệt thổ cẩm trong thôn, thành lập HTX Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi tại xã Tân Trịnh, vừa truyền dạy nghề dệt cho chị em trong thôn, vừa tạo sản phẩm bán ra thị trường.
Dạy nghề thông qua HTX, tổ hợp tác
Thời gian đầu, để vận hành được HTX, Nghệ nhân Ván Thị Chi phải đầu tư mua thêm vải, chỉ với số lượng lớn để chị em trong thôn cùng làm. Kinh phí sản xuất không có nhiều, nên làm đến đâu, thiếu vật liệu gì thì lại bổ sung đến đó. Đến nay, sau hơn 2 năm HTX được thành lập, các sản phẩm của HTX ngày càng đa dạng phong phú, với khăn đội, trang phục dân tộc, mặt gối. Giá trung bình của mỗi bộ trang phục dân tộc Pà Thẻn từ 2 - 4 triệu đồng.
![]() |
Đào tạo nghề cho phụ nữ tại HTX Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi (Hà Giang). |
Đồng thời, nghệ nhân Chi đã tham gia dạy lớp dạy nghề dệt thổ cẩm và văn hóa dân tộc Pà Thẻn cho các em học sinh xã Tân Trịnh. Không chỉ dừng lại ở những tiết học trong nhà trường, điều mà người nghệ nhân dân tộc Pà Thẻn mong muốn hơn đó là có thể mở một lớp ở trong thôn bản để duy trì văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân Ván Chi cho biết: Những người già trong bản hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn giờ không còn nhiều, mình phải cố gắng tìm tòi, lưu giữ được càng nhiều kiến thức thì mới bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy cho con cháu đời sau được; mình sẽ cố gắng không để truyền thống văn hóa dân tộc Pà Thẻn bị mai một.
Nhìn vào thị trường lao động trong thời gian qua có thể thấy dịch COVID-19 đã tác động rất lớn tới thu nhập, việc làm của người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Với lao động nữ ở Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã xác định bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất gồm: Dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và hoạt động kinh doanh (hiện đang sử dụng 44,1% lao động nữ, nhưng với lao động nam là 30,4%)… Như vậy, lao động nữ được đánh giá là một trong những đối tượng tổn thương nhất trong đại dịch COVID- 19, là nhóm lao động chiếm chủ yếu trong cấu phần của nhóm lao động nghèo.
Ngay cả đối với tình trạng thất nghiệp của thanh niên, lao động nữ cũng chiếm tỷ lệ nhiều hơn nam. ILO cũng khẳng định, khủng hoảng COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng hiện hữu. Do vậy, các chính sách ứng phó và hỗ trợ nhóm lao động mất việc làm, bị giảm giờ làm, nhóm lao động đặc biệt khó khăn rất cần chú ý đến yếu tố giới.
Cần chú trọng hơn tới đào tạo nghề cho phụ nữ
Thời gian qua, việc hỗ trợ đào tạo nghề thông qua các mô hình kinh tế như HTX, tổ hợp tác xã đang cho thấy rõ vai trò như câu chuyện hỗ trợ dạy nghề của Nghệ nhân Ván Thị Chi, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi ở trên.
Ở tỉnh Thanh Hóa, nhiều người biết tới tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ do phụ nữ làm chủ ở xã Nga Điền. Từ một người chỉ biết làm nghề nông và lo nội trợ, hiện chị Ngô Thị Hiền, thôn 3, xã Nga Điền (Nga Sơn) đã trở thành thợ lành nghề tại tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xã Nga Điền, với mức lương đều đặn từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Được biết, tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ do phụ nữ làm chủ xã Nga Điền được thành lập năm 2018 với 25 thành viên. Sau 5 năm hoạt động, tổ hợp tác đã liên kết, mở rộng đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho 600 hội viên phụ nữ trong xã, với thu nhập bình quân đạt từ 4,5 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Ngoài tổ hợp tác tại xã Nga Điền, toàn huyện Nga Sơn đang có 13 tổ hợp tác làm nghề tiểu thủ công nghiệp do phụ nữ làm chủ, tạo việc làm cho hàng nghìn hội viên, phụ nữ trên địa bàn.
Bà Trần Thị Tám, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nga Điền, cho biết: Thông thường, sau 2 - 3 ngày hướng dẫn và biết cách đan, các chị em sẽ nhận về nhà hoặc tập trung tại tổ hợp tác để làm cho vui. Đa phần, khi rảnh rỗi các chị đều tập trung tại một tổ gần nhất để làm, vì tại đây vừa có đầy đủ các trang thiết bị giúp tăng lượng sản phẩm, vừa được trò chuyện với các chị, các em.
Từ những kết quả tích cực trên, rõ ràng cần mở các lớp đào tạo ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn, hướng đến những ngành nghề chị em có thể làm tại nhà, tại địa phương lúc nông nhàn. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... Bên cạnh đó, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đầu mối với trung tâm dạy nghề tại địa phương, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm khuyến nông mở các lớp dạy nghề cho chị em.
Sau khi đào tạo sẽ thành lập các mô hình, tổ hợp tác, HTX để duy trì bền vững đầu ra. Đồng thời, chính sách hỗ trợ các ưu đãi cho các HTX do phụ nữ làm chủ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học- Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực, thị trường việc làm hiện nay và tương lai, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp… sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, người lao động trong tất cả ngành nghề cần chủ động trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ nghề nghiệp. Các chính sách nhà nước cần chú trọng đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nữ theo cách tiếp cận giới, đào tạo không chỉ phục vụ sinh kế mà còn thúc đẩy bình đẳng giới, là mục tiêu căn bản và bền vững.
Tâm Giao