10 năm qua, đã có hơn 30.000 lượt lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được hỗ trợ học nghề miễn phí. Đáng chú ý là tỷ lệ lao động có việc làm ngay sau học nghề đạt 93 - 98%. Trong đó, các tổ hợp tác và HTX vừa là nơi tiếp nhận lao động, vừa là cơ sở đào tạo hiệu quả theo phương thức “học đi đôi với hành”.
Đổi mới tư duy học nghề
Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Sau khi được học nghề, người dân có thể áp dụng ngay vào thực tế sản xuất, hoặc tự tạo ra việc làm mới, hay xin được vào làm việc có thu nhập ổn định tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa phương.
Gia đình chị Trần Thị Nghĩa, ở thị trấn Trần Cao (huyện Phù Cừ) trước đây từng nằm trong danh sách hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ ý chí quyết tâm thoát nghèo, thay đổi tư duy sau khi được học nghề nên mức thu nhập, chất lượng cuộc sống của gia đình ngày càng thay đổi tốt lên.
Không chỉ riêng gia đình chị Nghĩa, các chương trình đào tạo tại Hưng Yên đang giúp hàng trăm lao động nông thôn thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề miễn phí, được cập nhật thông tin thị trường, thay đổi tư duy kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Điển hình như mô hình “Dạy và nhân rộng làng nghề truyền thống” do HTX chạm bạc Phù Ủng thực hiện tại xã Phù Ủng (huyện Ân Thi), mô hình “Đào tạo nghề mây tre đan” do Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Phú Minh Hưng Yên thực hiện đã và đang góp phần duy trì, phát triển những làng nghề truyền thống và đem sản phẩm thủ công "Made in Hưng Yên" vươn ra thị trường thế giới.
"Cầm tay chỉ việc" giúp học viên học nghề nhanh hơn, giảm thời gian, chi phí đào tạo. |
HTX chạm bạc Phù Ủng đang là một trong những điển hình trong đào tạo nghề cho lao động địa phương. Đại diện HTX cho biết đơn vị được thành lập từ năm 1998, tạo công ăn việc làm cho các lao động, các hộ gia đình thiếu vốn nhận hàng về làm.
Hiện nay, HTX không chỉ thu hút số lượng lớn lao động mà còn đào tạo tay nghề cho người học việc ở các địa phương khác, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giữ gìn nghề làm trang sức thủ công truyền thống của dân tộc.
Đặc thù của nghề kim hoàn rất khắt khe, không chỉ đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, mà còn đòi hỏi đôi bàn tay tài hoa khéo léo để trổ các hoa văn tinh tế trên các sản phẩm vàng, bạc. Người thợ cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại trong từng công đoạn.
Muốn trở thành một thợ kim hoàn giỏi, chế tác được các mặt hàng theo yêu cầu của khách trước hết người thợ phải có năng khiếu, chịu khó và sáng tạo thì mới gắn bó được lâu dài với nghề. Chính vì vậy, phương thức đào tạo nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và “học đi đôi với hành” là hết sức phù hợp và hiệu quả.
Vững nghề đề làm giàu
Tương tự, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu được đánh giá là một trong những địa phương tiêu biểu toàn tỉnh Nam Định về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiệu quả của công tác dạy nghề đang giúp xã từng bước xây dựng lực lượng lao động chuyên nghiệp, lành nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại.
Đáng chú ý, phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống mộc mỹ nghệ Tam Tùng, xã đã khuyến khích các Tổ hợp tác, cơ sở sản xuất uy tín tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương.
Anh Bùi Văn Phú, Tổ trưởng Tổ hợp tác chế tác tượng, tranh gỗ mỹ nghệ ở xóm 22, xã Hải Đường, cho biết cách đây 3 năm, được xã bảo lãnh, vợ chồng anh đã vay 50 triệu đồng theo chương trình vốn ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm.
Nhờ đó, anh Phú có thể đầu tư mua 3 máy đục 3D tự động CNC, 1 lò sấy gỗ hơi nước, máy phay, máy bào, máy tiện… đáp ứng yêu cầu sản xuất. Kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá hơn với doanh thu từ 700 - 800 triệu đồng/năm.
Với mong muốn cùng nhau làm giàu, anh Phú đã trực tiếp dạy nghề cho những người có nhu cầu, người có nguyện vọng vào làm tại xưởng, qua đó vận động mọi người cùng liên kết thành lập Tổ hợp tác. Hiện Tổ đang thu hút trên 10 lao động, có thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Đào tạo nghề gắn với phương châm "học đi đôi với hành" cũng đang được các đơn vị dạy nghề tỉnh Tuyên Quang chú trọng trong những năm qua, đem lại những hiệu quả tích cực.
Cụ thể, Thời gian qua, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho lao động nông thôn. Để chủ động thực hiện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang phối hợp với các xã, thị trấn triển khai rà soát nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn, phối hợp với các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở.
Đặc biệt, đổi mới cách thức, phương pháp đào tạo nghề theo phương châm “cầm tay chỉ việc” dạy nghề giữa lý thuyết gắn với thực hành nên các học viên đều dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Đến nay, ở Tuyên Quang có nhiều mô hình dạy nghề đang cho thấy rõ hiệu quả. Đơn cử, những năm qua, HTX Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu ở xã Phù Lưu (huyện Hàm Yên) được xem là một trong các đầu mối sản xuất và cung ứng cam sành Hàm Yên chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX đã được cấp giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) từ năm 2015.
Có thể thấy, “cầm tay chỉ việc” là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dạy nghề nông thôn tại các địa phương trong thời gian qua. Để tiếp tục phát huy những thành công đang có, các địa phương cần tổ chức đánh giá thực trạng các nghề phù hợp, khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và nhu cầu nhân lực của các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đồng thời, tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp.
Minh Hoàng