Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ có rất nhiều ấn tượng với những nông dân Việt Nam xuất sắc được tôn vinh: có những người phải bán hết tài sản để có vốn sản xuất kinh doanh, có những người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ quay về làm nông nghiệp và họ rất thành công... Nhưng ông ấn tượng nhất với nông dân Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc HTX Sunfood Dalat Co.op ở Lâm Đồng.
Nông dân dạy nông dân thông qua HTX
Ông Sơn kể: "Trước đó có dịp gặp anh Thạch. Buổi đầu, ngồi uống nước với nhau, anh cho biết cách đây 15 năm, khi còn làm trong một doanh nghiệp, tuần nào anh cũng ngồi uống cà phê đếm xe chở nông sản. Bình quân mỗi ngày có 15 xe tải chở nông sản và anh ước mơ mỗi ngày có 1 xe chở đến để bán, nhẩm tính 1 tháng sẽ thu 400 triệu đồng. Sau 1 tuần nghiên cứu, anh Thạch quyết định bỏ doanh nghiệp về Lâm Đồng mua đất đai làm trang trại".
![]() |
Nông dân hỗ trợ kiến thức cho nhau thông qua mô hình HTX. |
Từ một người chưa hề có kiến thức trong nông nghiệp, sau 15 năm, anh Thạch đã xây dựng được chuỗi cửa hàng nông sản sạch. Hiện nay, anh đã có hàng trăm gian hàng nông sản đặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, anh còn xây dựng vùng nguyên liệu sạch và đặc biệt tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng.
Tất nhiên, để thành công như vậy, anh Thạch cũng phải đi học nghề nông. Từ kinh nghiệm của bản thân, HTX Sunfood Dalat Co.op trực tiếp hỗ trợ các thành viên trong HTX sản xuất đúng quy trình, đúng chất lượng yêu cầu mà thị trường đặt ra.
Thống kê đến thời điểm tháng 8/2022, Sunfood Dalat Co.op hoạt động với quy mô mở rộng 433 thành viên ở Đà Lạt và các huyện phụ cận, tổng diện tích sản xuất rau VietGAP 220 ha, phân phối trên 600 siêu thị mini, hệ thống cửa hàng trên 36 tỉnh, thành cả nước, sản lượng rau tiêu thụ ngày thấp nhất với 10 tấn, ngày cao nhất 20 tấn.
“Tất cả diện tích liên kết với Sunfood Dalat Co.op đều được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chuyển đổi giống rau mới trồng trên giá thể; vận hành hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt hiện đại, vừa tiết kiệm nguồn nước tưới vừa không làm xói mòn đất. Các thành viên Sunfood Dalat Co.op tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt khi canh tác các loại rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả và rau mùi… Đặc biệt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm rau thu hoạch không được quá giới hạn cho phép…”, ông Thạch chia sẻ.
Từ câu chuyện trên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, ở các tỉnh thành cần đẩy mạnh hoạt động các trường đào tạo, dạy nghề cho nông dân, đưa nông dân đi nước ngoài học tập nhiều mô hình. Đặc biệt, cần xây dựng các chương trình nông dân dạy nông dân thông qua hoạt động của các mô hình như tổ hợp tác, HTX, các câu lạc bộ…
Bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn
Mới đây, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022 – 2025. Mục tiêu là hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới.
Đồng thời, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 55%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 20%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Tập trung đào tạo cho lao động nông thôn để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí nông thôn mới và các hợp phần của các chương trình giai đoạn 2021 - 2025 (hợp phần du lịch nông nghiệp, nông thôn, OCOP, chuyển đổi số và phát triển kinh tế nông thôn…); đào tạo nhằm đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Về mục tiêu cụ thể, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ đào tạo nghề cho 910.400 lao động nông thôn làm nông nghiệp, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.
Cụ thể: Đào tạo trên 17.764 người nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các HTX nông nghiệp để đảm bảo mục tiêu “80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đào tạo cho 892.636 lao động nông thôn tham gia các vùng nguyên liệu; lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp nhằm giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới: Dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; marketing, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và giám đốc HTX nông nghiệp.
Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2020, Chính phủ phê duyệt chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn, theo đó mỗi năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn/năm. Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT, Trung ương Hội Nông dân để xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn hướng dẫn đào tạo nghề lao động khu vực nông thôn.
Minh Khang