Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó gồm 19 làng nghề (chiếm 65,5%) và 10 làng nghề truyền thống (chiếm 34,5%); 8.279 cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề, làng nghề truyền thống; 15.723 lao động trong các làng nghề. Năm 2019, giá trị sản xuất của các làng nghề, làng nghề truyền thống đạt 167,551 tỷ đồng.
Phát triển nghề truyền thống
Thời gian qua, trên cơ sở văn bản của Trung ương, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ triển khai hướng dẫn thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn.
Tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh thành lập HTX trong làng nghề. |
Đa số các làng nghề hoạt động sản xuất ổn định, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Điển hình như làng nghề nón lá truyền thống Hạ Thôn, xã Quảng Tân (huyện Quảng Trạch) thu hút 850 hộ với 2.100 lao động, tạo thu nhập ổn định bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề nón lá truyền thống Quy Hậu, xã Liên Thủy (huyện Lệ Thủy) thu hút 1.600 hộ với hơn 1.600 lao động. Làng nghề chế biến bún bánh mè xát Tân An, xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch) thu hút 232 hộ với 460 lao động.
Trong công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống không thể không kể tới vai trò của các HTX. Đó là HTX Làng nghề Luật Dũng, huyện Lệ Thủy; HTX Sản xuất và Kinh doanh Rượu làng nghề Võ Xá, huyện Quảng Ninh; HTX Sản xuất và Chế biến khoai deo Hải Ninh, huyện Quảng Ninh; HTX Nhân Trạch, huyện Bố Trạch; HTX Đánh cá Thượng Đức, huyện Bố Trạch; HTX Sản xuất Dịch vụ Mây xiên Quảng Phương, Quảng Trạch; HTX Bánh mè xát làng nghề truyền thống Tân An, huyện Quảng Trạch.
Để bảo tồn các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản và thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm.
Giai đoạn 2014 - 2019, địa phương đã thực hiện hỗ trợ áp dụng cơ khí hóa một số công đoạn sản xuất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, cơ sở làng nghề nhằm mở rộng và phát triển về quy mô. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thị hiếu của người sử dụng trong và ngoài nước.
Khuyến khích thành lập HTX, tổ hợp tác
Đặc biệt, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề được thực hiện theo dạng liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp; cơ sở tự đào tạo nghề, truyền nghề; mời chuyên gia đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề mới…
Đồng thời, tập trung hỗ trợ phát triển các nghề sử dụng nhiều lao động, gắn việc đào tạo nghề, truyền nghề với giải quyết việc làm tại cơ sở nhằm tăng hiệu quả của công tác đào tạo.
Sản phẩm khoai deo của HTX Sản xuất và Chế biến khoai deo Hải Ninh. |
Tỉnh Quảng Bình khẳng định, thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề, làng nghề, đẩy mạnh liên kết sản xuất, khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là phát triển sản xuất theo hướng tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, lợi thế vùng miền.
Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm làng nghề; khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác trong làng nghề; huy động nguồn vốn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất.
Ngoài ra, trên cơ sở Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được ban hành, tỉnh kêu gọi các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đặc trưng, đã được bày bán trên thị trường tham gia vào Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị, tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thy Lê