Dệt lanh là nghề thủ công có từ rất lâu đời của người Mông, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn là sản phẩm được bán rộng rãi ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Tạo việc làm cho người yếu thế
Vài năm trở lại đây, các sản phẩm lanh của huyện Quản Bạ đã dần được thị trường đón nhận và vươn ra thế giới như Pháp, Malaysia... Từ những cây lanh thô ráp, người phụ nữ Mông đã khéo léo may thành vỏ chăn, gối, khăn trải bàn, khăn trang trí, túi xách… được dùng ở nhiều nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng và lịch sự.
HTX Lanh Cán Tỷ góp phần bảo tồn nghề dệt truyền thống. |
Để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và thương mại của nghề dệt lanh, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã đưa dệt lanh vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đã đạt được những thành công nhất định.
Trong quá trình bảo tồn và phát huy nghề dệt lanh đã xuất hiện điểm sáng như HTX Lanh Cán Tỷ, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ. Đã từng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức của cơ chế thị trường và sự giao thoa văn hóa làm cho nghề dệt lanh của địa phương đứng trước nguy cơ mai một, nhưng với lòng đam mê, tâm huyết với giá trị truyền thống, chị Giàng Thị Say đã đứng ra thành lập HTX Lanh Cán Tỷ.
Chị Giàng Thị Say, Giám đốc HTX Lanh Cán Tỷ cho biết: HTX có 28 thành viên, đã hoạt động hơn 14 năm nay. Qua đó, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ trong xã và phụ nữ đi lao động ở Trung Quốc về.
"Tùy từng công đoạn và độ khéo tay mà người lao động sẽ được trả tiền công tương xứng, trung bình 3 - 5 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của HTX đã có mặt ở hầu hết các lễ hội, hội chợ thương mại và dành được sự quan tâm đặc biệt của du khách và người tiêu dùng”, Giám đốc HTX lanh Cán Tỷ Giàng Thị Say cho biết.
Đặc biệt, không chỉ phát triển các sản phẩm lanh, HTX Lanh Cán Tỷ còn tìm cách bảo tồn thông qua việc dạy cho thế hệ trẻ nghề dệt lanh truyền thống của dân tộc.
Em Giàng Thị Mơ, 17 tuổi ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, chia sẻ: “Em học dệt vải lanh từ khi học lớp 6. Mỗi năm, cứ đến dịp hè là em lại tham gia học lớp dệt vải lanh và làm sản phẩm lanh. Đến nay, em đã có thể tự làm tất cả các khâu để làm ra sản phẩm lanh và giúp mẹ làm việc mỗi khi có thời gian rảnh”.
Mời nghệ nhân từ vùng xuôi lên đào tạo nghề
Ông Sèn Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, cho biết: để phát triển nghề dệt lanh truyền thống, huyện đã tổ chức lễ hội nghề thêu, dệt lanh, mở rộng làng nghề ra 12 xã trên địa bàn huyện đều có nghệ nhân tham gia làm sản phẩm lanh bán cho HTX.
Nghề đan quẩy tấu ở thôn Lùng Hẩu. |
Bên cạnh phát triển nghề dệt lanh, huyện Quản Bạ có nhiều làng nghề và nghề truyền thống được khôi phục, phát triển mạnh.
Theo thống kê trên toàn huyện có trên 1.232 cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Trong đó: 12 doanh nghiệp, 42 HTX, 103 tổ hợp tác và 1.075 hộ kinh doanh cá thể...
Chia sẻ về nghề đan quẩy tấu ở thôn Lùng Hẩu, ông Vàng Vần Chính, Chủ tịch UBND xã Thái An, cho biết: “Thôn Lùng Hẩu có 90 hộ làm nghề đan quẩy tấu. Để phát triển nghề đan truyền thống, chúng tôi đã thành lập HTX, tổ chức các lớp học nghề".
Đặc biệt, ông Chính cho biết, xã còn mời nghệ nhân từ Bắc Ninh lên dạy cách đan đồ thủ công mỹ nghệ để đa dạng hóa sản phẩm. Chủ động nguồn nguyên liệu cho làng nghề, xã chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng trúc đã trưởng thành, đồng thời trồng thêm trúc mới.
Có thể thấy, trong những năm qua, huyện Quản Bạ đã chú trọng công tác phát triển làng nghề, nghề nông thôn và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các làng nghề truyền thống phát triển tương đối đa dạng, ổn định, có thị trường tiêu thụ tốt, thu hút nhân lực, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động phương gắn các phong tục tập quán, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Thy Lê