Có trong tay hơn 2ha đất đồi, địa hình khá dốc tưởng chừng sẽ không thể canh tác nông nghiệp, nhưng anh Trần Văn Sơn, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã biến vùng đất này thành rừng keo xanh tốt.
Mạnh dạn khởi nghiệp
Tận dụng diện tích đất rừng, anh Sơn còn quyết định phát triển mô hình nuôi gà thả đồi. Từ lứa gà ban đầu vài trăm con, nay anh quyết định mở 4 trại nhỏ, mỗi trại 1.000 con, nuôi gối nhau. Lấy công làm lãi, anh chuyên tu tập trung chăm sóc đàn gà, mỗi năm xuất khoảng 1 vạn con gà/năm.
![]() |
Tổ chức các lớp tập huấn, học nghề về trồng cây lâm nghiệp. |
Ngoài ra, anh mạnh dạn đầu tư hơn 300 gốc bưởi Quang Tiến và bưởi da xanh, 300 gốc mít Thái. Đây là hai loại cây ăn quả hiện đang được thị trường ưa chuộng, mỗi năm cho thu nhập ước tính khoảng 100 triệu đồng. Tính chung từ đàn gà, cây ăn quả và rừng keo, mỗi năm gia đình anh có thu nhập trung bình khoảng 500 - 600 triệu đồng.
Anh Trần Văn Sơn chia sẻ: Sở dĩ anh có thể tự tin đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp là do được tham gia các lớp tập huấn trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi và các câu lạc bộ sinh hoạt chia sẻ kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp do Huyện đoàn Nghĩa Đàn tổ chức. Những lớp học, buổi sinh hoạt này đã giúp một thanh niên trẻ như anh mạnh dạn lập nghiệp trên chính quê hương mình.
Theo thống kê, huyện Nghĩa Đàn hiện có gần 28 nghìn thanh niên, chiếm 20,4% dân số toàn huyện, trong đó thanh niên có mặt tại địa bàn huyện là trên 14 nghìn người, thanh niên đi làm ăn xa trên 13 nghìn người.
Để giúp thanh niên khởi nghiệp, thời gian qua, Huyện đoàn Nghĩa Đàn đã tập trung tuyên truyền cho các đoàn viên về phát triển kinh tế, tập huấn kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi giúp thanh niên tiếp cận khoa học kỹ thuật để sản xuất hiệu quả.
Ngoài ra, Huyện đoàn còn tổ chức trên 120 ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên, tạo điều kiện lao động cho hơn 1.000 đoàn viên thanh niên, hướng nghiệp cho hàng nghìn lượt học sinh, giải ngân hơn 80 tỷ đồng cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế.
Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực
Không chỉ tại huyện Nghĩa Đàn, việc hỗ trợ thanh niên nông thôn lập nghiệp được đẩy mạnh ở nhiều địa bàn trên tỉnh Nghệ An.
Theo số liệu khảo sát về tình hình thanh niên phát triển kinh tế tại Nghệ An vào thời điểm tháng 6/2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 20 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện, 176 câu lạc bộ cấp xã với hơn 2.640 thành viên, 13 mô hình HTX thanh niên với 230 thành viên, 57 tổ hợp tác với 422 thành viên và 1.696 mô hình thanh niên phát triển kinh tế.
![]() |
Nghệ An đã thành lập Đội tri thức trẻ tình nguyện chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho thanh niên. |
Hầu hết các mô hình thanh niên phát triển kinh tế chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp như: Phát triển trang trại, chăn nuôi, VAC, trồng cây ăn quả; một số mô hình ở lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ hàng hóa…
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế. Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp như: Tổ chức chương trình Thanh niên khởi nghiệp, tuyên dương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi hàng năm, tổ chức các cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo nông thôn”, “Ý tưởng dự án khởi nghiệp trong thanh niên”…
Đặc biệt, Nghệ An đã thành lập Đội tri thức trẻ tình nguyện chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho thanh niên, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ủy thác với tổng dư nợ 1.408 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ thanh niên đã giải ngân gần 1,9 tỷ đồng cho 32 dự án vay vốn… giúp nhiều thanh niên nông thôn thoát nghèo, làm giàu trên quê hương.
Về công tác đào tạo lao động nông thôn nói chung, trong năm 2020, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu sẽ đào tạo 12.900 lượt lao động nông thôn, gồm nghề phi nông nghiệp: 6.750 lượt người; nghề nông nghiệp: 6.150 lượt người. Tỷ lệ lao động nông thôn sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt hơn 80%.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tỉnh Nghệ An cho biết sẽ chủ động liên kết với các công ty, nhà máy, doanh nghiệp để hỗ trợ học tập, tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm làm ra cho người học nghề, nhất là việc hình thành nên nhóm, tổ, HTX để chủ động tìm kiếm cơ hội liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Tỉnh xác định sẽ không tổ chức dạy nghề khi chưa dự báo được nhu cầu thực tiễn đầu ra của nghề định đào tạo.
Thy Lê